Truyện cổ tích là một thể loại văn học ra đời khi xã hội có sự phân chia giai cấp. Truyện thường kể về các nhân vật nhỏ bé, thấp kém nhằm lên án gay gắt xã hội phong kiến. Đồng thời họ - người dân lao động còn gửi gắm mơ ước của mình có một xã hội công bằng, con người được sống trong no ấm hạnh phúc. Đó cũng chính là mô tip của hầu hết các truyện cổ tích. Nhất là những truyện Tấm Cám, Sọ Dừa, Chử Đồng Tử, Cây tre trăm đốt.
Truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp về một xã hội công bằng. Trong thời phong kiến xưa, người ta luôn coi khinh, chế giễu những người xấu xí, coi trọng đồng tiền mà không thèm quan tâm đến tình yêu đôi lứa; họ sẵn sàng hành hạ, bóc lột tàn bạo sức lao động của người dân... Vì vậy mà những người có địa vị ở dưới cùng xã hội luôn luôn mong ước được công bằng. Nhân vật Sọ Dừa là hình ảnh của những người có hình dạng xấu xí, những người có thân phận nhỏ bé, thua thiệt trong xã hội. Từ bé, khi mới sinh ra thì Sọ Dừa chỉ là một cục thịt không có tay, chân, nhưng Sọ Dừa lại làm được rất nhiều việc, chăn bò rất giỏi cho nhà lão phú ông. Tuy vậy, cậu vẫn luôn bị người khác hắt hủi. Bà mẹ tuy thương con nhưng nhìn nó mà buồn rầu chỉ biết chấp nhận số phận. Song câu chuyện không đừng ở đây, mà người nhân dân xưa đã vẽ lên niềm mong ước của mình trong phần sau. Họ không muốn những người tốt bụng như Sọ Dừa lại phải chịu bất hạnh, nên họ đã mang đến cho Sọ Dừa tất cả những đồ sính lễ mà phú ông yêu cầu để có thể làm đám cưới với một trong ba cô con gái vô cùng xinh đẹp của phú ông. Và cũng chính tác giả dân gian đã thêu dệt nên một người con người con gái út của phú ông, rất hiền lành, tốt bụng và trọng nghĩa, người đã nhận lời với Sọ Dừa. Sau đám cưới, Sọ Dừa không còn đội lốt xấu xí nữa mà nay đã trở thành một chàng công tử rất khôi ngô tuấn tú. Không những thế Sọ Dừa học rất giỏi và chàng thi đỗ Trạng nguyên. Đó chính là một giấc mơ rất đẹp của người nghèo. Nhân vật anh Khoai trong chuyện Cây tre trăm đốt cũng lớn lên trong nghèo hèn, quanh năm phải làm thuê để sống. Lão nhà giàu thì sống trong an nhàn sung sướng khi tìm cách lừa đảo, bóc lột sức lao động của anh. Quả là bất công, thế nhưng hình ảnh ông bụt hiện ra như chính là cán cân công lý đã giúp anh Khoai có thể thực hiện được mơ ước của mình: kết hôn với con gái phú ông, hơn nữa được đối xử công bằng trong xã hội. Qua hai câu chuyện vừa rồi, nhân dân ta đã thể hiện khát vọng về sự công bằng, đồng thời thể hiện sự cam thông với những người nghèo trong xã hội.
Truyện cổ tích còn là ước mơ đẹp có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sọ Dừa sống với mẹ trong hoàn cảnh rất khó khăn, không có bố, nhà nghèo, lại còn bị dị tật, xấu xí. Nhung kết thúc chuyện thì lại là một Trạng nguyên, một chàng công tử sống hạnh phúc suốt đời với người vợ của mình, không bị một ai coi khinh, không những vậy mà luôn được người đời coi trọng. Còn anh Khoai thì cả đời phải vất vả, thiếu thôn, thiếu cả về vật chất, cả về tinh thần (mồ côi cha mẹ, phải làm thuê ở đợ). Nhưng một người tốt bụng, chân chất như anh Khoai sẽ được bù đắp. Anh được sống sung túc, ấm no bằng chính sức lao động của anh, bằng gia tài của lão nhà giàu. Anh được hưởng hạnh phúc, được yêu thương với người vợ của mình. Rồi Chử Đồng Tử, Tiên Dung trong truyện Chử Đồng Tử sau bao nhiêu thử thách. Chử Đồng Tử xuất thân từ một gia đình vô cùng nghèo khó đến nỗi không có khố để mặc. Trong khi đó thì Tiên Dung lại là một Công chúa - có nhan sắc, có thế lực, địa vị cao. Trong xã hội thời đó thì hoàn cảnh này khó có thể chấp nhận được để hai người lấy nhau. Tiếp theo là thử thách về lễ giáo phong kiến, theo quan niệm xưa thì "cha đặt đâu con ngồi đấy", cha bảo sao thì con phải nghe vậy. Nhưng Tiên Dung đã không nghe cha, không chịu lấy chồng, và cả khi cha biết chuyện thì cũng không quay trở về. Qua thử thách gay gắt ấy, hai người vẫn ở bên nhau. Đồng Tử và Tiên Dung tuy không có của cải song họ có được phép tiên, và trời phật đã ban cho họ cả một cưng đình, với các tôi tớ, binh lính chỉ sau một đêm. Họ cùng nhau bay về trời để sống một cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Chính điều này đã thể hiện tinh thần phản kháng, muốn phá bỏ hàng rào tục lệ của lễ giáo phong kiến nặng nề. Vậy là trong truyện cổ tích, bằng những hình tượng kỳ ảo, hư cấu, tác giả dân gian đã phản ánh được những giấc mơ đẹp của mình.
Truyện cổ tích tô vẽ cho thêm đẹp tâm hồn của chúng ta, hướng chúng ta đến cái thiện, cái đẹp. Thông qua những câu chuyện cổ tích Việt Nam, chúng ta như thêm hiểu bản chất của xã hội phong kiến, thêm hiểu cuộc sống và những ước mơ rất đẹp, rất chân thật của người dân xưa, để có được một xã hội công bằng, cuộc sống ấm no. Và ngày nay chúng ta đã làm được điều đó, chúng ta đã đang được sống trong công bằng, trong hạnh phúc ấm no ấy hay là trong chính những giấc mơ của người dân lao động. Vậy thì ta phải sống sao cho thật tốt đẹp để có thể thể hiện lòng tôn trọng và để có thể lưu giữ mãi mãi những ước mơ đẹp ấy của họ.