Đề bài:
a. Phân tích giá trị hiện thực của bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.
b. Trình bày cảm nghĩ của anh (chị) về cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du được thể hiện qua tác phẩm.
c. Tâm sự của thi hào dân tộc Nguyễn Du trong bài thơ.
d. Hãy làm sáng rõ một số sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du trong tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí.
e. Chủ thể trữ tình trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.
Hướng dẫn
а. Độc Tiểu Tlianh kí là một tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc.
- Bài thơ mở đầu với hình ảnh của hiện thực: “Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang”. Trong cảm quan của nhà thơ trung đại, cuộc đời dâu bể hẳn chưa có gi mới. Nhưng ý thơ ở câu thơ này không chỉ là hình ảnh ước lệ chung chung, vô cảm. Bởi lẽ, biến thiên cuộc đời bãi bể biến thành nương dâu được nói đến gắn liền với cuộc đời của những con người cụ thể: Tây Hồ từng chứng kiến cuộc đời Tiểu Thanh, Tây Hồ thêm một lần nữa in dấu chân người từng đi qua những tháng năm “gió bụi” cuộc đời. Con người trong trang thơ di cảo là hiện thực và con người đang đứng trước cảnh đẹp Tây Hồ cũng là thực.
- Trong bối cảnh xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, số phận người con gái dù là tài hoa thật cũng khó có thể “tương liên” với trang nam nhi đội trời đạp đất. Vượt qua những thiên kiến cũ xưa, Nguyễn Du nhìn thấy mối “tương liên” giữa những kẻ “phong vận kì oan”. Bài thơ vì thế có sức khái quát về cuộc đời rộng lớn, về cuộc đời buồn đau.
- Trong tác phẩm thơ thất ngôn bát cú, lời thơ không phải là những lời kể. Nhà thơ đã lựa chọn những chi tiết có ý nghĩa nhất để tái hiện cuộc đời Tiểu Thanh. Cảnh vật Tây Hồ qua biến thiên thời gian, son phấn và cuộc đời người con gái nhan sắc, văn chương và tài năng,... Tất cả gợi nhớ số phận người con gái từng bị đày đọa trong cuộc đời. Những “lụy phần dử’ ít ỏi như những bằng chứng về nỗi oan khuất của cuộc đời người con gái.
b. Với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, mỗi tác phẩm của Nguyễn Du là một biểu hiện của “con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt muôn đời”.
- Những biểu hiện của cảm hứng nhân văn trong văn học: lòng trân trọng, ngợi ca cái đẹp, lòng thương yêu, bênh vực và tinh thần bảo vệ con người.
- Những biểu hiện của cảm hứng nhân văn trong Độc Tiểu Thanh kí:
+ Nỗi thương cảm đó đã được thể hiện trực tiếp trong bản dịch thơ “Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”. Có lẽ Nguyễn Du tỉnh táo hơn, lí trí hơn mà vẫn đầy thương cảm với cuộc đời Tiểu Thanh khi “chỉ viếng nàng” qua trang sách còn lại.
+ Thương người như thể thương thân là biểu hiện cao nhất của tinh thần nhân đạo. Nhà thơ đồng cảm với Tiểu Thanh, với những người cùng cảnh ngộ. Càng thương người, càng thương mình, thương người có tâm hồn nghệ sĩ, càng suy nghĩ về câu hỏi lớn, về số phận con người trong cuộc đời. Có thể nói, tiếng nói vọng tới năm sau của Nguyễn Du thể hiện nỗi day dứt khôn nguôi của nhà thơ về sự sống có ý nghĩa của con người trong cuộc đời. Câu thơ cuối cùng nhức nhôi nỗi băn khoăn của một trái tim tràn đầy tình yêu thương.
+ Giọng thơ đầy xót thương trước những sự việc xảy ra trong cuộc đời Tiểu Thanh.
c. Trong cuộc đời mình, hầu như Nguyễn Du không bày tỏ tâm sự của mình. Tuy nhiên, người đọc thơ vẫn thấy thấp thoáng trong thơ ông nỗi niềm riêng của bậc thi hào dân tộc, nhất là ở mảng thơ chữ Hán, trong đó có bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.
Đọc Tiểu Thanh kí là tâm sự của Nguyễn Du về cuộc đời người con gái tài hoa bạc mệnh. Câu chuyện về cuộc đời của nàng Tiểu Thanh chắc đã được người ta kể nhiều lần. Thêm một lần nữa câu chuyện đó lại làm xúc động trái tim người nghệ sĩ Nguyễn Du. Cuộc đời bãi bể nương dâu chìm nổi, truân chuyên, cái đẹp, sự sống của con người mong manh, phai tàn tưởng diễn ra trước mắt. Trong nguyên tác, Nguyễn Du không dùng từ “thổn thức”, ông không sử dụng lối biểu cảm trực tiếp. Nhưng con người lặng lẽ “viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ” kia phải là người có tấm lòng cảm thấu chân thành. Những yếu tố tượng trưng ước lệ trong các câu thơ “Chi phấn hữu thần liên tử hậu - Văn chương vô mệnh lụy phần dư” được sử dụng có tác dụng thể hiện rõ nét bi kịch cuộc đời Tiểu Thanh, truyền đến người đọc nỗi đau đớn, xót xa cho một kiếp người hồng nhan bạc mệnh của tác giả.
Đọc Tiểu Thanh kí là tâm sự của Nguyễn Du về Tiểu Thanh. Đó đồng thời là tâm sự của tác giả Truyện Kiều về chính cuộc đời mình: “Phong vận kì oan ngã tự cư”. Bài thơ là tâm sự của tác giả về kiếp người trong cuộc đời nhân thế. Như thế, Đọc Tiểu Thanh kí không chỉ là câu chuyện của riêng một Tiểu Thanh, riêng một Nguyễn Du, ý nghĩa khái quát của nó thể hiện những băn khoăn của con người thời đại. Tiếng thơ vang giữa trời xanh “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” về những con người “phong vận kì oan ngã tự cư”. Có lẽ với Nguyễn Du, ba trăm năm sau là một thời đại khác, thời đại mà những nỗi oan lạ lùng của những người phong vận hẳn đã có lời giải đáp. Độc Tiểu Thanh kí như vậy là tâm sự của Nguyễn Du về những vấn đề của thời đại gửi tới mai sau. Con người mang tâm sự cô đơn ấy lại là người của muôn đời với tấm lòng tràn đầy yêu thương.
d. Câu hỏi không hạn định cách thức trình bày nội dung. Dưới đây là một gợi ý:
- Về thể loại, bài thơ có nhiều sáng tạo:
+ Vận dụng các hình thức quy phạm của thể thơ Đường luật.
+ Sáng tạo trong cách bố cục, linh hoạt về niêm, luật.
- Về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:
+ Sử dụng các yếu tố tượng trưng, ước lệ.
+ Từ ngữ cô đọng, thể hiện những ý ngoài lời;
+ Thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên...
e, Chủ thể trữ tình là con người của xúc cảm, tâm trạng... được thể hiện trong tác phẩm trữ tình.
Chủ thể trữ tình trong Độc Tiểu Thanh kí là người cảm thương cái đẹp, cảm thương kiếp người tài hoa bạc mệnh, kiếp nghệ sĩ, những người “phong vận kì oan” trong đó có cả chính nhà thơ.
Chủ thể trữ tình trong bốn câu thơ đầu xuất hiện trong hoàn cảnh cảnh vật Tây Hồ qua biến thiên thời gian, quá khứ lùi xa, chỉ có thể viếng nàng Tiểu Thanh qua trang sách nhỏ còn lại. Ớ đây, chủ thể trữ tình không xung “tôi” mà ẩn đi, làm cho câu thơ vang lên như một điều cảm nhận, một thể nghiệm thường thấy rất phổ biến trong thơ trung đại. Cách hiện diện như vậy xóa mờ ranh giới giữa tác giả và người đọc, dễ lây lan tình cảm, mọi người đọc thơ đều có thể cảm thấy như lời của mình. Trang sách tạo nên cuộc gặp gỡ giữa chủ thể trữ tình và Tiểu Thanh - hai con người của những khoảng thời gian, không gian cách biệt. Đó là chủ thể trữ tình trong cuộc hội ngộ kì diệu thông qua tác phẩm nghệ thuật.
Chủ thể trữ tình ở bốn câu thơ cuối bài thơ xuất hiện không phải dưới hình thức vô nhân xưng như ở bốn câu thơ đầu. Từ “ngã” có nghĩa là “tôi”, “ta” ở câu thứ sáu được chuyển dịch là “khách”; tên hiệu của Nguyễn Du - Tố Như - ở câu thứ tám là chỉ dẫn cụ thể để xác định chủ thể trữ tình. Đây là chủ thể trữ tình với điểm nhìn cá thể “tôi”, đồng thời lại vượt lên cái “tôi” bé nhỏ. Nhà thơ có thể cảm nhận mình từ nhiều chiều, không chỉ là quá khứ với câu chuyện buồn của Tiểu Thanh, không chỉ là hiện tại với trăn trở của Nguyễn Du mà còn hướng tới tương lai 300 năm sau, đến muôn đời. Những từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất này thể hiện xúc cảm thuộc về “con người này” không phải là ai khác. Đây là một biểu hiện rất mới mẻ trong thơ ca trung đại. Sau này, ý thức cá nhân như một nhân tố tích cực - cái “tôi” cá nhân đã trở thành dấu hiệu dễ nhận biết của sự hiện đại hóa văn học những năm đầu thế kỉ XX.