Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh người cách mạng Hạ Du trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn

Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn ra đời vào tháng 5 - 1919 đã mang một hàm nghĩa sâu sắc. Tác phẩm đề cập đến mâu thuẫn của dân tộc, thời đại, khơi dậy nỗi ưu dân, nó đánh trúng vào căn bệnh tinh thần trầm trọng của dân tộc. Thuốc thể hiện tình trạng u mê, tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

Nhân vật Hạ Du tuy không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm nhưng nhân vật này lại đóng vai trò quan trọng, bởi chính là mắt xích làm nảy sinh toàn bộ mâu thuẫn của câu chuyện cũng như chi phối các sự kiện khác trong tác phẩm. Hạ Du là con nhà bác Tứ chứ con nhà ai, là người cùng làng nên ai cũng biết họ tên, gốc gác,... Khi Hạ Du bị bắt, nằm trong ngục, trước lúc ra pháp trường còn cả gan tuyên truyền cách mạng cho lão Nghĩa mắt cá chép, rủ lão đề lao làm giặc nên đã bị lão ta đánh cho hai cái bạt tai. Những người cách mạng tiên phong như Hạ Du có lí tưởng chống triều đình phong kiến Mãn Thanh, họ sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, hi sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhưng giữa đông đảo quần chúng u mê, họ chiến đấu một cách đơn độc. Chính vì thế, trong mắt của quần chúng nhân dân, anh là thằng quỷ sứ, là thằng nhãi ranh con, là thằng khốn nạn,... Với bác Cả Khang thì là đáng thương hại, với lão râu hoa râm thì hắn điên thật rồi và với cậu Năm gù thì Hạ Du đúng là một kẻ điên thật rồi. Cái chết của Hạ Du đã mang lại cho một số ít người món hời. May nhất là lão Hoa Thuyên đã mua được thuốc (chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du) để chữa bệnh lao phổi; rồi đến cụ Ba đưa đứa cháu ra đầu thú để được thưởng hai mươi lạng bạc trắng; lão Nghĩa đề lao được cái áo tử tù cởi ra trước khi ra pháp trường; bác Cả Khang thì được mấy đồng bán thuốc cho lão Thuyên,... Ngay cả mẹ Hạ Du cũng không hiểu con, bà kêu là oan con lắm Du ơi! và nguyền rủa chúng nó: Trời còn có mắt, chúng nó giết con thì rồi trời báo hại chúng nó thôi. Quần chúng đều u mê, không hiểu sự nghiệp của những người cách mạng như Hạ Du nên xa lánh, có cái nhìn không đúng đắn, thậm chí sai lệch khiến người cách mạng phải chiến đấu một thân một mình đơn độc, không có sự ủng hộ, đoàn kết, thiếu sức mạnh tập thể.

Ngôi mộ của Hạ Du được đặt ở nghĩa địa của người chết chém, bên trái con đường mòn. Đây là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho sự nghiệp, sự hi sinh của những người cách mạng như Hạ Du trong thời điểm đó. Anh đã đi trước buổi bình minh, giác ngộ sớm vẫn không được quần chúng nhìn nhận một cách đúng đắn bởi sự u mê, tê liệt của họ. cần phải có một liều thuốc tinh thần chữa bệnh cho dân tộc, căn bệnh quốc dân tính vào lúc này cho người dân Trung Hoa. Trên ngôi mộ Hạ Du, người mẹ già đã rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi thấy một vòng hoa vô danh với những cánh hoa trắng hoa hồng và hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng ngay ngắn. Hình ảnh vòng hoa này cũng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: mặc dù quần chúng vào thời điểm ấy ở trong trạng thái tê liệt, u mê nhưng không phải tất cả, vẫn có những người hiểu, nhớ đến, tiếc thương, ngưỡng mộ tấm gương người cách mạng tiên phong đã hi sinh vì địa nghĩa. Người dân rồi sẽ thức tỉnh dần, cách mạng rồi sẽ có tiền đồ, có xu thế phát triển.

Tóm lại, Hạ Du là người chiến sĩ cách mạng tiên phong, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp chống phong kiến, ngay cả khi đã là tử tù vẫn tuyên truyền, vận động cách mạng. Người chiến sĩ ấy đã hi sinh vì lí tưởng, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.