Phân tích nhân vật Tnú - một dũng sĩ phi thường của làng Xô Man thời kháng chiến chống Mĩ (Truyện " Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành)

"Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành là một kiệt tác văn chương thời chống Mĩ in đậm khuynh hướng sử thi hào hùng.

Trong thế trận chiến tranh nhân dân thần kì của làng Xô Man, nhân vật Tnú mang tầm vóc một dũng sĩ phi thường đã để lại trong lòng ta nhiều rung cảm và ngưỡng mộ.

Có thể nói, nhân vật trung tâm của truyện là Tnú. Trong nhà ưng, xung quanh bếp lửa hồng, một đêm mưa có mặt đông đủ lũ làng, cụ Mết đặt bàn tay chắc nịch lên vai Tnú giới thiệu:"...nó đi giải phóng quân đánh giặc, nay nó về thăm làng một đêm...Nó là ngời Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng “bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Tnú vốn là một chú bé giàu cá tính. Ở trong rừng học chữ với anh Quyết, nó học không bằng Mai..., nó nổi nóng "đập bể cái bảng nứa...", bỏ ra ngồi ngoài suối suốt ngày, rồi nó cầm một hòn đá "tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng". Chữ thì Tnú hay quên, nhưng đi rừng, đi đường núi thì "đầu nó sáng lạ lùng". Giặc vây ráp, phục kích, Tnú trèo lên cây cao nhìn khắp mọi phía, "xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây”. Vượt sông vượt suối, Tnú lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, nó "cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”, và Tnú biết, "qua chỗ nước êm thằng Mĩ - Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Khi chẳng may sa vào tay giặc, họng súng của thằng giặc phục kích “chĩa vào tai lạnh ngắt", Tnú đã nhanh trí "nuốt luôn cái thư" của anh Quyết gửi về huyện trong một ngọn lá dong. Lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của bọn giặc, nhưng Tnú vẫn bất khuất hiên ngang. Ba năm bị tù trong ngục Kông Tum, Tnú đã vượt ngục trở về. Tnú đã đọc thư tuyệt mệnh của anh Quyết gửi dân làng Xô Man trước lúc anh tử thương. Anh Quyết đã dặn? “Tnú phải học chữ giỏi, thay tui làm cán bộ”. Lần thứ hai, Tnú lại lên núi Ngọc Linh, không phải đi lấy đá trắng về làm phấn như ba năm trước, mà là đi lấy một gùi đá mài. Làng Xô Man đã chuẩn bị khởi nghĩa: phát rẫy trồng pom-chu xanh cả núi rừng, đêm đêm cả làng thức, mài giáo mác. Tnú đã trở thành chỉ huy đội du kích, làm cho thằng Dục ác ồn lồng lên, gầm lên. "Con cọp đó mà không giết sớm, nó làm loạn rừng núi này rồi!”. Vợ con anh đã bị giặc bắt, tra tấn dã man cho đến chết. Tnú cùng đội đu kích rút vào trong rừng, anh đã nghiến răng “bứt rứt hang chục trái vả mà không hay". Đôi mắt của anh trờ thành “hai hàng cục máu". Thương xót và căm thù tột độ, Tnú không kìm nổi lòng mình nữa, với hai bàn tay không, anh đã nhảy xổ vào lũ giặc mong cứu được vợ con. Tnú là một con người gang thép. Lũ giặc đã trói anh bằng dây rừng, dùng giẻ tẩm nhựa xà nu đốt cháy mười đầu ngốn tay Tnú. Ngọn lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu mặn chát ở đầu lưỡi “cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi? Cháy, không, Tnú sẽ không kêu? Không?”. Ngọn lửa xà nu và độ nóng của nó đã soi sáng lòng trung thành vô hạn, đã tôi luyện khí phách lẫm liệt của Tnú lên tầm vóc phi thường vĩ đại? Khi Tnú thét lên một tiếng dữ dội cũng là lúc tiếng chân "rầm rập" quanh nhà ưng, nhiều tiếng thét dữ dội hơn... Nhà ưng ào ào chuyển động. Tiếng hô của cụ Mết vang lên: "Chém! Chém hét”. Và lửa đã cháy khắp rừng...

Mẹ con Mai đã bị giặc giết. Lưng Tnú đầy vết dao của giặc chém. Mười ngón tay của anh, ngón nào cũng bị thằng Dục đốt cháy mất một đốt. Bà Nhan, anh Xút, anh Quyết,... những người thân yêu của anh đã bị giặc giết. Vết thương lành, Tnú đi tìm cách mạng, đi Giải phóng quân để tìm diệt những thằng Dục ác ôn, đứa thì ở trong đốn, đứa thì ngoan cố chui xuống hầm ngầm...

Tnú còn có một tâm hồn đẹp, chất phác, trong sáng. Tâm hồn anh vẫn ôm ấp hình bóng quê hương. Sau ba năm đi Giải phóng quân đánh giặc về thăm làng một dêm, cái gốc cây bên đường gợi lên trong lòng anh một kỉ niệm về Mai, "kỉ niệm đó cắt vào lòng anh một nhát dao nứa". Tnú yêu làng, yêu những hố chông, những giàn thò sắc lạnh của làng anh, yêu con nước mát lạnh,… Anh nhớ nhất làng, nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm chính là "tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của  mẹ anh ngày xa xưa, của Mai của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi…”.

Tnú mang tầm vóc như một dũng sĩ trong sử thi. Lòng trung thành, khí phách anh hùng, tinh thần lẫm liệt bất khuất của Tnú làm chúng ta ngưỡng mộ; tâm hồn chất phác, trong sáng, thủy chung của anh đã làm cho chúng ta xúc động, yêu thương. Nguyễn Trung Thành xây dựng nhân vật Tnú bằng tất cả sự chắt lọc tâm hồn, tưởng như ông không viết, ông không tả... mà hình như, ông là một nghệ sĩ đúc tượng Tnú, một anh hùng thời đại bằng một chất liệu siêu kim loại!

"Ràng xà nu" là một truyện ngắn thấm đẫm màu sắc sử thi, huyền thoại. Hình thức kể chuyện qua nhân vật cụ Mết già làng gợi lên không khí thiêng liêng cổ truyền. Mái nhà ưng là nơi tụ hội của dân làng Xô Man, cũng là nơi để họ trừng trị lũ ác ôn khát máu, lũ tay sai Mĩ-Diệm. Rừng động, lửa cháy, tiếng cồng âm vang, đại bác giặc, cây xà nu đổ ào ào như một trận bão, tiếng mài giáo mác.. Tất cả thật hào hùng, bi tráng. "Rừng xà nu" đã nêu cao một chân lí cách mạng: "Nghe chưa, các con, rõ chưa, nhớ lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!". Qua chủ đề ấy, cây xà nu, Tnú và những người dân làng Xô Man hiện lên mang tầm vóc dũng sĩ, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.