Vì sao Chế Lan Viên lại đặt tên cho bài thơ là Tiếng hát con tàu. Phân tích ý nghĩa biểu trưng của tựa đề đó qua hình ảnh "con tàu" và âm hưởng "tiếng hát” của bài thơ

YÊU CẦU

Tiếng hát con tàu là hành trình đến với NHÂN DÂN, thoát khỏi đời riêng nhỏ hẹp của Chế Lan Viên để đến với những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật. Khát vọng ra đi đẹp đẽ ấy đã được thi sĩ bộc lộ trong hình ảnh "con tàu" hối hả lên đường, tràn đầy phấn hứng, trong âm hưởng "tiếng hát" hăm hở, náo nức suốt bài thơ. Bài làm phải phân tích làm rõ các ý đó.

BÀI LÀM

Tiếng hát con tàu dắt nẻo hồn ta, khi náo nức hăm hở, khi bâng khuâng xao xuyến và tràn ngập hạnh phúc được đến với Tây Bắc, đến với "xứ thiêng" của Tổ quốc để tận hưởng dư vị ngọt ngào của tình yêu quê hương đất nước. Có đọc thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng tháng Tám - một đài thơ "lẻ loi bí hiểm" bởi thế giới nghệ thuật đầy hình ảnh kinh dị với "cảnh ngàn sâu cây lả ngọn, Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi", với những "huyết sọ", "tủy não" của "thế giới điêu tàn"..., thì mới thấy Tiếng hát con tàu là hành khúc mới mẻ của tâm hồn đang được thanh xuân trong "Ánh sáng và phù sa" của cuộc đời mới.

Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh "cả nước lên đường" sau những năm dài chiến tranh và đói nghèo. Niềm vui lớn của cuộc đời đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác nghệ thuật. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa đối với các văn nghệ sĩ lãng mạn đã một thời "đi trốn", ẩn náu vào "cái tôi" cá nhân sầu mộng xa lánh thực tại cuộc đời, nay trở về sống giữa nhân dân trong vận hội mới "phá cô đơn, ta hòa hợp với người".

Nhà thơ Chế Lan Viên đã ghi đề tựa cho bài thơ bằng bốn câu thơ hàm súc:

"Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu".

Cả bài thơ là hành trình của con tàu tâm hồn mang khát vọng lên đường, là cuộc hóa thân kì diệu của hồn thơ lãng mạn giữa cuộc đời giàu ý nghĩa, đồng thời còn là cuộc trở về với chính tâm hồn thơ của mình trong cuộc sống rộng lớn của nhân dân. Có riêng gì Tây Bắc, một vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng của Tổ quốc đang vẫy gọi, khi khát vọng cuộc sống mới trong lòng đã hóa những con tàu tốc hành mang năng lượng của tình yêu đất nước, khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát, thì tâm hồn thi sĩ cũng là một vùng đất phì nhiêu với những tiềm năng mới đang khát khao được giao cám, được đem lại hương thơm trái ngọt cho cuộc đời: "Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu".

Thực tế, chưa có một đường tàu cụ thể và con tàu cụ thể lên Tây Bắc. Sáng tạo hình tượng "con tàu" và "Tây Bắc" nhà thơ đã thể hiện dụng ý nghệ thuật sâu xa. Tây Bắc không chỉ là địa danh xa xôi của Tổ quốc mà còn là biểu tượng cuộc sống rộng lớn của nhân dân, là cội nguồn cảm hứng của văn học nghệ thuật. Và "Con tàu" trở thành biểu tượng cho tâm hồn nhà thơ đang khao khát thoát khỏi cuộc sống chật hẹp quẩn quanh để đến với nhân dân, đến với cuộc sống.

Thơ ca không chỉ là sản phẩm của tâm hồn người nghệ sĩ, mà còn là sản phẩm của hoàn cảnh. Vì vậy bài thơ Tiếng hát con tàu không thể có được khi hoàn cảnh lịch sử không tạo ra những tiền đề, gợi ý mách bảo nhà thơ. Công cuộc kiến thiết đất nước những năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất đã vạch ra định hướng lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh thức dậy ý thức tự chủ của con người, nhiều bài thơ cùng thời là những biểu hiện sinh động của tiếng hát mang khát vọng ra đi dựng xây đất nước. Đặt tên cho bài thơ bằng hình tượng "Tiếng hát con tàu" còn là sự biểu đạt tiếng gọi của hồn thơ:

Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia...

"Con tàu" vừa là sự hóa thân, vừa là sự phân thân, của cái tôi trữ tình nhà thơ. Khi là con tàu mời gọi lên đường: "con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng"? "Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?" Khi lại là con tàu mơ mộng chứa chất nỗi niềm, khát vọng lãng mạn: "ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng", "Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội" "lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng"...

Đọc bài thơ này, ta lại bắt gặp cá tính sáng tạo nghệ thuật trong phong cách thơ Chế Lan Viên. Những hình ảnh thơ luôn tạo nên liên tưởng bất ngờ, thú vị giúp người đọc nhận ra những giá trị mới mẻ của cuộc sống, qua những từ ngữ tinh tế gợi cảm, đậm đà chất triết lí ý vị mà sâu xa. "Khi lòng ta đã hóa con tàu", thì con tàu tâm hồn ấy chở nặng, chất đầy những toa thương, toa nhớ:

Con nhớ anh con, người anh du kích.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc.

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc.

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét.

Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ.

Tình cảm nhớ thương ấy sẽ lấp kín những khoảng cách của thời gian và không gian, đưa ta vượt qua những thác ghềnh của thử thách tâm lí và mặc cảm trước cuộc đời. Không có nơi nào nữa trên Tổ quốc này là xa xôi nữa, không có thử thách nào ngăn giữ lòng ta đến với cuộc đời. Đúng như nhà thơ đã có lần tâm sự, cuộc trở về của nhà thơ "từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui". Có ai ngờ chính Chế Lan Viên đã có một cuộc đời thơ "đi trốn" xa lánh thực tại đến cực đoan (thuở Điêu tàn):

Trời hỡi hôm nay ta chán hết

Những sắc màu hình ảnh của trần gian

Với tôi tất cả như vô nghĩa.

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với cả hoa tươi muôn cánh rữa

Đem về đây chắn mọi nẻo xuân sang...

lại là một Chế Lan Viên rưng rưng xúc động khi trở về với cuộc đời thực, với tất cả sự ấp iu, trìu mến trân trọng giá trị mới mẻ của cuộc sống nhân dân:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cảnh tay đưa.

"Gặp lại nhân dân" là trở về cội nguồn sự sống, trở về với niềm vui thanh xuân tâm hồn, về với năng lượng mới của cảm hứng, với lòng nhân ái, bao dung độ lượng vô biên. Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ tầng tầng lớp lớp để diễn tả cho hết ý nghĩa sâu sắc cuộc "phục sinh" tâm hồn của thi sĩ lãng mạn. Tất cả những ý nghĩa cao đẹp ấy trở thành nguồn cảm xúc thiêng liêng, cất lên tiếng hát dạt dào cảm xúc. Nhà thơ đột nhiên phát hiện:

Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ.

Khi tâm hồn nhà thơ đã lắng lọc cảm xúc từ cuộc đời thì biết bao kỉ niệm xôn xao hiển hiện trong lòng. Đây không phải là lần đầu tiên Tổ quôc lên tiếng hát gọi ta về Tây Bắc. Những năm tháng qua, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bao thế hệ đã vượt thác băng rừng vào chiến dịch "Chín năm làm một Điện Biên, Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" (Tố Hữu). Còn giờ đây là tiếng hát gọi ta về với "mùa nhân dân, giăng lúa chín rì rào" để lấy lại giấc mơ xưa, lấy lại những tâm hồn, những tấm lòng vàng một thời đau trong lửa... Tiếng hát ấy ngân nga xao xuyến ân tình, thức dậy trong lòng ta tình yêu quê hương đất nước:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Vị ngọt ngào của tình yêu cũng như cái rét ngọt lúc đông về, không có rét sao gọi mùa đông. Nỗi "nhớ em" trở nên giàu ý nghĩa, "tình yêu ta" cũng trở nên quí giá, sống động và thiêng liêng, chính tình yêu ấy đã có sức cảm hóa lòng người, cảm hóa tạo vật. Sự hòa điệu giữa tiếng hát tâm hồn và tiếng hát của cuộc đời mới đã thăng hoa những cảm xúc mới mẻ của nhà thơ. Qui luật hình thành nghệ thuật phải chăng cùng phát khởi từ sự nhập cuộc và hóa thân kì diệu ấy. "Cái tôi" trữ tình của nhà thơ đã biểu đạt tâm trạng điển hình của "cái ta" chung cho mọi người. Tiếng hát của con tàu trở thành điệp khúc tâm tình của bao tâm hồn đang khát khao được dâng hiến cho Tổ quốc, góp phần dựng xây đất nước mạnh giàu. Nhịp thơ linh hoạt tạo nên những cao trào của cảm xúc thơ, giữ cho tiếng hát vừa dồn dập vừa ngân nga trầm bổng. Lắng nghe cảm xúc trong lòng mình, suy tư qua những trải nghiệm của cuộc sống, lời thơ trở thành lời tâm sự tha thiết chân thành vừa bộc lộ giãi bày, vừa hàm súc triết lí khái quát hóa cuộc sống. Đây là bài thơ thể hiện khá rõ các thủ pháp nghệ thuật sở trường của Chế Lan Viên, cũng là một trong những bài thơ có ý nghĩa tuyên ngôn thơ sau cách mạng của Chế Lan Viên với những ý tưởng sâu xa. Trở về với cuộc đời, sống giữa nhân dân không chỉ tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác mới, mà thật sự là trở về với chính mình với hồn thơ đích thực của người nghệ sĩ chân chính.

Bài Tiếng hát con tàu có nhiều câu thơ, nhiều hình ảnh thơ thuộc vào loại hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên và của thơ ca cách mạng. Cách mạng và nhân dân đã thăng hoa cảm xúc thơ, phục sinh tâm hồn thơ cho thi sĩ và chính nhà thơ đã tôn vinh vẻ đẹp của nhân dân và cách mạng, tôn vinh địa vị của thơ ca cách mạng. Nói như Xuân Diệu: "Văn chương cách mạng, văn chương với gian khổ hi sinh, cũng lại là cái văn chương chí nghĩa chí tình, văn chương nên thơ nên nhạc. Văn chương sợ nhiều người dễ khô khan, cũng lại là cái văn chương thật là nhuần nhị"...

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.