Hiện diện trong nhiều thế kỷ như một mô hình tổ chức và quản lý xã hội mang tính chất chính thống, một phương thức hoạt động và phát triển văn hóa đóng vai trò chủ đạo, Nho giáo đã để lại ảnh hưởng sâu đậm của nó trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, những ảnh hưởng vẫn tiếp tục tác động tới đời sống xã hội Việt Nam sau thế kỷ XIX. Là một giá trị ngoại sinh được tiếp nhận và vận dụng như một học thuyết chính trị để xây dựng và bảo vệ đất. | Khó mà tưởng tượng rằng nếu không có Nho giáo thì lịch sử và văn hóa Việt Nam đã phát triển ra sao, nhưng sự cố kết xã hội chung quanh một hệ thống quan niệm bên ngoài đưa tới như vậy tất yếu cũng dẫn tới việc cải tạo xã hội truyền thống. Bản thân sự cải tạo ấy mang một tính chất hai mặt, nên kết quả của sự cải tạo ấy cũng mang một ý nghĩa hai mặt. Việc tìm hiểu Nho giáo với lịch sử Việt Nam do đó vẫn còn là một đề tài nghiên cứu lớn, bởi vì như người ta đã thấy, các yếu tố Nho giáo mà đặc biệt là trong hệ thống chuẩn mực xã hội của nó vẫn tiếp tục song hành với sự phát triển lịch sử và những biến động xã hội ở Việt Nam sau 1945 rồi sau 1975. Hơn thế nữa, quan sát việc tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học với việc tiếp thu Nho giáo, cũng dễ nhận ra những nét tương đồng: Việt Nam không có chế độ tông thân pháp nhưng vẫn tiếp nhận Nho giáo, cũng như không có giai cấp vô sản công nghiệp nhưng vẫn tiếp thu chủ nghĩa Marx. Nho giáo là lý thuyết tổ chức xã hội nhưng được tiếp nhận để khẳng định chính quyền, chủ nghĩa Marx là học thuyết đấu tranh giai cấp nhưng được tiếp thu để giải phóng dân tộc. Sự tương đồng trong việc chuyển hóa chức năng ở hai trường hợp này cũng đáng được tìm hiểu trên nhiều phương diện, và trong ý nghĩa ấy, việc tìm hiểu Nho giáo với lịch sử Việt Nam trong quá khứ cũng có thể góp phần soi rọi nhiều khía cạnh trong hiện trạng và xu thế của lịch sử hiện đại Việt Nam./.