Bốn nội dung cơ bản của công cuộc cải cách hành chính mà Chính phủ đề ra bao gồm: Cải cách thể chế, cải cách bộ máy và chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ công chức và cải cách tài chính công. Trong thực tế, bên cạnh cải cách thể chế được xem là cái gốc của mọi cuộc cải cách thì “cải cách” con người - cán bộ, công chức - được xem là yếu tố quyết định đối với sự thành, bại của công cuộc cải cách hành chính nói chung | Có người than rằng, bộ máy hành chính đang vận hành theo đúng các quy trình tưởng như là theo luật định, nhưng tuỳ từng mối quan hệ và sự “chịu chi” khác nhau cán bộ, công chức sẽ cho ra “sản phẩm” và đưa đến tay người dân theo các kiểu khác nhau. Chẳng hạn, nếu có “quan hệ”, hồ sơ đăng ký kinh doanh của anh A sẽ được giải quyết trong một đến hai ngày; nếu không, ngoài việc phải chạy ngược xuôi để bổ sung những loại giấy tờ (nhiều khi không có trong quy định), anh B phải đợi đến hết thời hạn theo giấy hẹn mới nhận lại kết quả. Như vậy, đạo đức công chức chi phối một cách tuỳ tiện vào hoạt động công vụ, nghiễm nhiên tạo ra sự bất bình đẳng của những người được phụ vụ, ở ví dụ trên là sự bất bình đẳng về quyền được hưởng dịch vụ công của anh A và B. Sự bất bình đẳng này thể hiện một cách khác nhau tuỳ theo sự quan trọng của từng loại hoạt động công vụ khác nhau, dẫn đến hệ thống công vụ bị lỗi. Khi hệ thống công vụ của một quốc gia bị lỗi mà có một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu đến từ đạo đức công vụ, thì thứ hạng về nạn tham nhũng của nước ta trên bản đồ quốc tế vẫn còn là một điều đáng buồn