Chẳng biết từ bao giờ rượu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá người Việt. Người xưa có câu “khách đến nhà không trà thì rượu”. Rượu được xem là một phần tất yếu dùng để tiếp đãi bạn bè của đấng mày râu, là món quà tao nhã để tặng người thân, bạn bè. Khi nhắc đến rượu, những tao nhân mặc khách thì thưởng rượu tức thưởng thức cái hương vị của rượu, còn người bình dân vẫn quen dùng từ “nhậu”. Nhậu trở thành câu nói cửa miệng của người Việt. | “Chất nhậu” Nam Bộ, bắt nguồn từ văn minh sông nước. Đồng lúa bát ngát, sông nước mênh mông với những công việc không phải lo quá xa, lấy nguồn cảm hứng từ hương lúa dạt dào cho những điệu lý, câu vọng cổ lanh lảnh nên chất nhậu của người Nam Bộ cũng nhẽ nhàng, dai dẵng. Họ có thể lai rai, nhâm nhi vừa uống vừa bàn luận đủ mọi việc từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Ngược lại, người Miền Bắc uống rượu rất nhanh, ly rượu to, nhậu nhanh, say nhanh và kết thúc sớm, họ không có thói quen ngồi lai rai và “cù cưa” như người Nam Bộ. Dân Nam Bộ vốn là những cư dân khẩn hoang từ xưa, vì là những lưu dân đi khẩn hoang nên điều kiện sinh hoạt trong buổi đầu không mấy đầy đủ; chính vì thế người Nam Bộ nhậu rất đơn giản. Họ có thể nhậu ngoài bờ ruộng, trong vườn cây ăn trái, nhậu ngay ngoài sân, hiên nhà hay trên chiếc xuồng câu. Mồi nhậu cũng đơn giản không cầu kỳ phức tạp, thường là một món duy nhất. Đi làm đồng bắt được con cá lóc, con chuột đồng đắp rơm nướng vàng thêm ít muối ớt đựng trong tàu lá chuối, vài cọng rau dại, một chai rượu là có thể thành bữa nhậu. Giữa đồng ruộng bao la, hương lúa dào dạt đủ để con người quên đi cái mệt nhọc của đồng áng. Đôi khi trái bần non, trái cóc cũng đủ làm cuộc nhậu. Chất nhậu Nam Bộ có phần vô tư, lãng tử, tềnh toàng khác với Miền Bắc. Là cái nội của văn hoá nông nghiệp trọng tình, trọng lễ nghĩa, người Miền Bắc khi hội hè, lễ hội khi ăn nhậu thường phân biệt theo lứa tuổi, chức sắc, có chiếu trên, chiếu dưới, khi khách đến nhà “không gà thì gỏi”. Họ nhậu phải có mâm có, bàn, khi nhậu từ tốn, lịch thiệp.