Nho giáo khi đánh giá con người thường chú trọng đến cái đức mà ít chú trọng đến tài năng (kết quả việc làm) mặc dù họ cũng nêu đủ đức-tài, nhưng thực tế họ coi thường cái tài, đặc biệt họ không coi trọng về tri thức tự nhỉên, tri thức thực tiễn. | Nội dung của ngũ thường (cũng như ngũ luân) đã cải biến khi du nhập vào Việt Nam. Tất nhiên mức độ và phương hướng cải biến còn tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử xã hội Việt Nam, và giai cấp tiếp thu. Người dân thường Việt Nam thì tiếp thu khía cạnh giá trị nhân bản, nhân dân trong các học thuyết đó. Giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam thì tiếp thu những yếu tố có lợi cho nền thống trị phong kiến. Những trí thức tiến bộ, yêu nước thì tiếp thu có chọn lọc theo yêu cầu của xã hội và truyền thống văn hóa của Việt Nam. Vào những thời kỳ suy thoái, giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam thường rập khuôn theo giáo điều Nho giáo, đặc biệt là theo Tống nho. Trong ngũ thường, Nhân-Nghĩa-Lễ là cốt lõi, nhưng nếu cần gút lại thì còn nhân nghĩa, rút lại nữa thì còn đức nhân. Nhân là vị trí trung tâm của ngũ thường, các đức khác phải quy phục vào nó. Nhân chú về động cơ bên trong. Nghĩa nói về con đường đi đến Nhân. Lễ là những quy định sẵn để người ta hành động dúng điều Nhân. Trí là khả năng của cá nhân phân biệt nhân và bất nhân, còn Tín là điều kiện trước tiên để đảm bảo các quan hệ xã hội được tiến hành bình thường.