Trong Anna Carenina, chúng ta sẽ thấy lại bức tranh xã hội chân thực và sinh động của cả một giai đoạn lịch sử nước Nga vào giữa thế kỷ XIX, sau giải phóng nông nô. Ngòi bút nghệ thuật điêu luyện, nghiêm khắc vạch trần bộ mặt xấu xa của chế độ phong kiến chuyên chế sa hoàng Nga. | Mặc dầu lời nói và nụ cười đó làm Varya rất lo sợ, khi chỗ viêm đã khỏi và Vronxki bắt đầu bình phục, chàng cảm thấy trút hẳn được một phần thống khổ. Bằng cái hành động nọ, có thể nói chàng đã rửa được nỗi hổ thẹn và nhục nhã. Bây giờ, chàng có thể thản nhiên nghĩ đến Alecxei Alecxandrovitr. Chàng công nhận tấm lòng cao thượng của ông ta nhưng chẳng hề cảm thấy phẩm giá mình vì thế mà bị hạ thấp. Hơn nữa, chàng đã trở về nếp cũ. Chàng thấy có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người không hổ thẹn và có thể sống, trở lại những thói quen. Cái mà chàng không thể dứt khỏi trái tim, mặc dầu thường xuyên đấu tranh với tình cảm ấy, đó là nỗi luyến tiếc đến tuyệt vọng vì vĩnh viễn mất Anna. Giờ đây, khi đã chuộc lỗi trước mặt ông chồng, chàng kiên quyết đoạn tuyệt và không bao giờ xen vào giữa Anna đang ăn năn hối lỗi và ông ta nữa; nhưng chàng không thể dứt khỏi trái tim nỗi tiếc thương mối tình đã mất, không thể xoá mờ trong tâm trí những giờ phút đầy hạnh phúc từng chung hưởng với nàng, mà hồi đó chàng đã đánh giá quá thấp nhưng bây giờ mới thấm thía hết vị dịu ngọt với một niềm hoài nhớ khôn nguôi.