Hát sắc bùa là một thể loại âm nhạc đặc sắc của người dân miền Nam Trung Bộ Việt Nam. Hát sắc bùa thường được diễn vào mùa xuân, đặc biệt là các ngày tết, bao gồm một đoàn người là các đôi trai gái, nam mang trống cơm, nữ mang "sênh tiền", đứng đầu là một vị trưởng đoàn đi đến từng nhà và hát chính, đoàn nam nữ đi theo để phụ họa. Các bài hát sắc bùa mang nội dung ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và chúc chủ nhà một năm mới an lành thịnh. | Theo quan niệm xưa, hát sắc bùa sẽ xua đuổi rủi ro, đem lại sự an khang thịnh vượng cho mỗi nhà. Ông Trương Tích, người được truyền nghề hát từ lúc lên 5 tuổi, hiện là đội trưởng đội sắc bùa thôn Lệ Bắc (Duy Châu) tự hào: “Mỗi năm đến 20 tháng chạp là đội sắc bùa bắt tay vào việc chuẩn bị trình diễn. Và khi đến giờ giao thừa, sẽ xuất phát, đến từng nhà để hát, chúc phát tài, phát lộc cho đến mồng 10 tháng giêng là kết thúc. Thôn Lệ Bắc hát sắc bùa hay và kỳ công lắm”. Rồi, ông ngâm nga: “Sắc bùa là sắc bùa ơi! - Mong cho đến Tết ăn xôi với chè - Sắc bùa là sắc bùa hòe - Mong cho đến Tết ăn chè với xôi.”. “Nhạc trưởng” hát sắc bùa còn gọi là ông cái, thường là người lớn tuổi. Ông cái kiêm luôn biên đạo, chỉ đạo và sáng tác lời bài hát cho hợp với mọi hoàn cảnh, cũng như thị hiếu của quần chúng. Ông cái thường mang trống cơm, xướng trước để các thành viên trong gánh (đội) sắc bùa xô theo. Ngày xưa, đội sắc bùa có 21 người, gồm 1 ông cái, 16 con và 4 nhạc công. Còn ngày nay, chỉ 7 người: 1 ông cái, 6 con kiêm luôn phần nhạc công.