Nhà máy đường Cà Mau đã được khởi công xây dựng vào đầu năm 1997 và đến tháng 11/1999 hoàn thành thực tế xây dựng cơ bản và nhà máy chính thức được đưa vào sản xuất. | Thiết bị lọc bùn chân không thùng quay gồm 1 thùng rỗng, bề mặt thùng có phủ 1 tấm lưới thép có nhiều lỗ nhỏ. Thùng quay gồm 2 phần chính: phần tĩnh và phần động. Phần tĩnh bao gồm 3 vùng: vùng chân không mạnh, vùng chân không yếu, và vùng khóa chân không. Vùng chân không mạnh nằm hướng xuống dưới máng chứa bùn có tác dụng hút bùn dính chặt vào lớp lưới của thùng quay. Sau đó, thùng sẽ quay lên, qua vùng chân không yếu, ở vùng này sẽ có nước nóng phun vào để thu hồi lượng nước mía còn tích tụ trong bùn. Sau đó, thùng sẽ quay tiếp và sẽ vào vùng khóa chân không, ở đây, do không còn chân không để giữ chặt bùn ở lớp lưới nên lớp bùn dễ dàng bị cần gạt bùn tách ra, bùn sẽ bị 1 dàn phun nước cuốn trôi bùn xuống bể lắng bùn. Phần động gồm 24 ống rỗng, trên thân mỗi ống có 4 lỗ nhỏ, tổng cộng là 96 lỗ nhỏ. Các ống này thông với thiết bị cân bằng áp suất ở một đầu ống. Như vậy, bên trong ống có áp suất thấp hơn áp suất khí quyển, các ống có lỗ này sẽ chuyển động cùng với thùng quay và sẽ hút bùn lên với các ống ở vị trí vùng chân không mạnh, sẽ được phun nước nóng để rửa bùn ở vị trí vùng chân không yếu, và sẽ được gạt bỏ bùn bám nếu ở vị trí khóa chân không. Ở máng chứa bùn có 1 cánh khuấy để khuấy đều bùn, tránh để bùn lắng xuống đáy máng. Trước khi bùn được bơm vào máng, bùn được chuyển lên vích tải ở phía trên, tại đây, sẽ được bổ sung thêm 1 lượng bã mịn được thổi qua từ bên lò hơi. Tác dụng của lớp bã mịn này là tạo cấu trúc xốp có các ống mao dẫn trong lớp bùn để cho nước nóng có thể dễ dàng len lỏi vào trong để cuốn trôi đi lượng nước mía còn dính lại. Nước lọc bùn sẽ được bơm về bồn chứa nước mía hỗn hợp.