Bài viết tập san: Trăn trở với nghề nêu lên quan điểm của người viết về sự thay đổi về sự xuống cấp về mặt đạo đức của một số học sinh khi họ mất dần đi sự tôn trọng với giáo viên vốn là truyền thống lâu đời của đất nước ta, đây là một quan điểm mà không chỉ các thầy cô mà cả các cán bộ làm công tác giáo dục cần quan tâm và suy ngẫm để từ đó tìm cách khắc phục được nỗi boăn khoăn này. | TRĂN TRỞ VỚI NGHỀ Việt nam là một đất nước có nhiều truyền thống văn hóa. “Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống tốt đẹp ấy, nó vô cùng quý giá và góp phần hình thành nhân cách con người. “Tôn sư trọng đạo” là tôn trọng, kính yêu và biết ơn đối với những người làm thầy giáo, cô giáo và coi trọng những điều thầy cô đã dạy cho mình. Từ ngàn xưa, ý thức học tập và kính trọng thầy cô đã được hình thành trong tư tưởng của mỗi cậu học trò. Học để có đạo đức và kiến thức, vì vậy “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng để có được kiến thức và đỗ đạt thì vai trò của người thầy là tất yếu “không thầy đố mày làm nên”, từ đó vị trí của người thầy được định vị một cách rõ rệt trong xã hội: “Quân sư phụ”. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và Đảng ta cũng đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Để đóng góp vào sự phát triển đó thì tất cả các ban ngành đoàn thể đều chung tay để xây dựng một nền giáo dục hoàn thiện cho các em. Các bậc phụ huynh cũng đã xác định được vai trò học tập của con em mình và luôn khuyên bảo con: Con ơi hãy nhớ lời cha Học cho thật giỏi đẻ mà nhờ thân Thế nhưng hiện nay trong tư tưởng của mỗi học sinh, vị trí của thầy cô đã khác hẳn trước kia. Các em chỉ nghĩ học để thành tài, để tiến thân mà quên mất công lao của thầy cô, nơi đã giáo dục cho các em nên người. Sau khi học lên các bậc trên thì không còn trân trọng gì đến thầy cô cũ nữa, thậm chí không chào hỏi khi gặp mặt dù cho “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Điều đáng buồn nhất là sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức của học sinh, các em thường xuyên vô lễ với giáo viên, sinh chuyện với bạn bè và còn tham gia vào những trò chơi thiếu lành mạnh, chính từ đó lại đẩy các em vào các tệ nạn xã hội. Tất cả là do đâu ! Phải chăng do trình và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên còn hạn chế, do sự thay đổi phương pháp học tập. Hay do sự phát triển của xã hội mà trình độ văn hóa và đạo đức không đáp ứng kịp thời ? Đây là vấn đề mà những người làm thầy, cô giáo phải trăn trở và suy ngẫm. Tôi hy vọng rằng các em sẽ có sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm nhằm giữ vững và phát huy tốt truyền thống của đân tộc vì nó là cái nôi để nuôi dưỡng mỗi con người. Võ Hoàng Vinh