Phạm trù lễ đối với việc tu dưỡng tính tình, trên quan điểm con người vốn thiện, ý nghĩa của lễ trong phương diện đạo đức, ý nghĩa của lễ trong lĩnh vực chính trị, xã hội,. là những nội dung chính trong bài viết "Phạm trù lễ của Khổng Tử và ý nghĩa của nó". . | Khổng Tử rất coi trọng tình cảm của con người, ông cho rằng tất cả đều do tình cảm mà sinh ra. Vì thế thánh nhân phải dạy cho con người những đạo lý tốt đẹp nhất. Mục đích là để hình thành cho con người có những tình cảm tốt, tức là gây thành cái gốc của đạo nhân tồn tại trong mỗi cá thể của xã hội. Với chủ trương dùng lễ để giáo hóa tính tình, làm cho xã hội có chung một quan niệm đạo đức, tập quán để làm việc thiện, việc phải, mà vẫn tự nhiên không mang tính gò bó. Mục đích cuối cùng là để đưa xã hội từ vô đạo trở về với có đạo. Khổng Tử nói rằng “cung kính quá lễ thành ra lao nhọc thân hình; cẩn thận quá lễ thành ra nhát gan; dũng cảm quá lễ thành ra loạn nghịch; ngay thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách”[2, tr 121]. Như vậy lễ theo Khổng Tử là cốt để giữ chừng mực cho những hành vi của con người trong xã hội, chính vì thế nên “Đạo đức nhân nghĩa mà thiếu lễ thì ắt không thành. Giáo huấn để chính đính phong tục mà thiếu lễ ắt không đầy đủ, ngay cả những việc phân tranh cãi cọ, không có lễ không thể giải quyết được.”[8, tr 37] Ông chủ trương người quân tử phải biết làm cho sáng cái lễ, phải biết cung kính tuân theo tiết độ của lễ. Trong xã hội phải lấy lễ làm nòng cốt, nếu không có lễ để làm tiêu chuẩn cho hành vi thì không thể phân định trên dưới. Trên quan điểm dùng lễ để tu dưỡng tính tính tình chúng ta thấy Khổng Tử hướng con người tới một đạo lý tốt đẹp.