Cuốn sách gồm các nội dung sau: Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền miệng; sử dụng báo chí và mạng lưới truyền thanh cơ sở; biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. | Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, để thuyết phục người khiếu nại, tố cáo nhận thức và hành động đúng chuẩn mực của pháp luật, đòi hỏi người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có một khả năng toàn diện. Trong quá trình giải quyết vụ việc, người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải vận dụng kỹ năng tuyên tuyền miệng hết sức tinh tế; phải dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích để thuyết phục người khiếu nại, tố cáo (xem phần Phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền miệng). Ngoài ra, người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải là người có uy tín (trong sạch, liêm khiết, được nhân dân trong vùng tín nhiệm) nhạy cảm, tâm lý và có kinh nghiệm trong công tác này. Điều quan trọng nhất là người nói phải tạo được lòng tin, sự tôn trọng của người nghe. Để đạt được mục đích, yêu cầu này, người làm công tác giải quyết khiếu nại không những chỉ am hiểu pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại, tố cáo nói riêng, hiểu biết đời sống xã hội mà phải cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của người dân. Đôi khi trong quá trình giải quyết vụ việc, người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải tâm sự chân tình, chia sẻ với người khiếu nại, tố cáo, nên có những lời khuyên, động viên chân thành, tình cảm để tạo sự tin tưởng, yêu mến của họ với mình. Đó là những yếu tố cơ bản nhằm thuyết phục, cảm hóa người khiếu nại, tố cáo để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật./.