Ebook “Tìm hiểu pháp luật về tố cáo” là tài liệu quan trọng và cần thiết cho việc tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về tố cáo cho nhân dân và cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo ở cấp xã. Đặc biệt, cuốn sách sẽ giúp cán bộ và nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ khi thực hiện việc tố cáo và giải quyết tố cáo; nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, công chức cấp xã trong việc giải quyết tố cáo và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tố cáo. | So với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật tố cáo đã bổ sung thêm các hành vi vi phạm của người tố cáo như: Mạo danh người khác để tố cáo cũng bị xử lý vi phạm; lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo. Luật tố cáo cũng đã nhấn mạnh, trong trường hợp người tố cáo “cố ý” tố cáo sai sự thật mới bị xử lý (còn Luật khiếu nại, tố cáo quy định nếu người tố cáo, tố cáo sai sự thật thì bị xử lý), bởi lẽ tố cáo là hành vi có tính chất chủ động, song không phải trong trường hợp nào người tố cáo cũng có đủ thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm. Vì vậy, có trường hợp, người tố cáo nhận thức không đúng về bản chất sự việc, hành vi mà mình tố cáo, dẫn đến việc tố cáo không đúng, chưa đúng sự thật - vô tình là tố cáo sai sự thật. Do vậy, trong trường hợp không cố ý tố cáo sai sự thật thì không bị xử lý theo pháp luật. Quy định này làm căn cứ xác định đường lối xử lý nghiêm đối với người nhận thức được tính chất hành vi vi phạm hay vụ việc đã có kết luận và quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn cố tình tố cáo sai sự thật vì động cơ cá nhân, đồng thời và khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật./.