Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên (nội dung 3) với nội dung giải quyết tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, giáo dục giá trị cho trung học phổ thông và các nội dung khác. | Đứng trước tình huống này bạn nên bình tĩnh khéo léo. Hãy cố gắng kiềm chế sự tự ái để nhanh chóng tìm ra phương án xử lí. Trước hết bạn tìm cách chấm dứt ngay hành động đánh con của vị phụ huynh đó và phân tích để phụ huynh nhận ra rằng trong việc giáo dục học sinh bạo lực không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp mà đôi khi còn phản tác dụng. Sau khi vị phụ huynh đó có vẻ bình tĩnh trở lại, bạn bắt đầu câu chuyện của mình một cách nhẹ nhàng, cởi mở. Bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi. Dù đó là học sinh nghịch ngượm, hay vi phạm nội quy của trường, lớp nhưng không bao giờ mong muốn gia đình giáo dục em bằng những hình thức tiêu cực, phản khoa học như đánh đập, chửi mắng thậm tệ, xúc phạm đến lòng tự trọng của các em. Ở độ tuổi học sinh trung học các em đã có ý thức về cái tôi cá nhân, cần được người lớn tôn trọng. Chính vì vậy, chỉ có sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiêm khắc mới có tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay xúc phạm quá đáng chỉ khiến chúng nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi. Những cố gắng của bạn sẽ có ý nghĩa hơn khi thẳng thắn đề xuất gia đình những biện pháp cụ thể để cùng giúp đỡ em học sinh đó tiến bộ. Sự điềm tĩnh, khéo léo và tình thương yêu, trách nhiệm với học trò là điều quan trọng để bạn xử lí thành công tình huống này.