Báo cáo: Điều tra và đánh giá hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng đê bao trồng lúa tỉnh An Giang tập trung trình bày tình hình sử dụng thuốc BVTV của nông dân: nội dung này tập trung vào tìm hiểu các thương phẩm thuốc BVTV được dùng phổ biến, cách thức sử dụng thuốc BVTV của người dân (về liều lượng, kỹ thuật phun thuốc, xử lý thuốc BVTV khi còn dư.) và cách thức tiếp cận với những thông tin về thuốc BVTV của người dân;. | Việc đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi sử dụng thuốc BVTV là hết sức quan trọng để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, nông dân tại địa phương chưa làm tốt công tác này đối với thuốc chưa sử dụng hết, lẫn bao bì, chai lọ và các dụng cụ sau khi phun thuốc. Qua bảng , có thể thấy rõ tình hình này khi thuốc BVTV còn dư sau khi phun hết diện tích ruộng đều được người nông dân xử lý theo hai cách (1) phun tiếp cho đến khi hết thuốc (77%) hoặc (2) để nguyên trong bình và chờ đến đợt phun thuốc tiếp theo (23%). Cả hai cách làm trên đều tiềm ẩn những nguy cơ cho môi trường và sức khỏe con người vì nếu tiếp tục phun cho hết lượng thuốc còn dư, vô tình người nông dân lại tiếp tục nâng cao liều lượng sử dụng vốn đã vượt mức khuyến cáo; còn nếu giữ nguyên lượng thuốc còn dư trong bình xịt và chờ đến đợt phun tiếp theo thì có khả năng làm thay đổi hoạt tính của thuốc trong thời gian lưu trữ, dẫn đến những tác động tiêu cực chưa lường trước được [2]. Tình trạng bất cập trên kết hợp việc chỉ có 49% nông hộ có khu vực lưu trữ cách ly dành cho thuốc BVTV và các dụng cụ phục vụ cho việc phun thuốc lại càng nâng cao nguy cơ phát sinh những rủi ro do thuốc bảo vệ thực vật gây ra, đặc biệt là việc ngộ độc thuốc đối với trẻ em [8].