Mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp tiêu dùng; phân tích, đánh giá các nội dung lí luận liên quan tới quan hệ pháp luật tiêu dùng, các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng của Việt Nam và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về giải quyết tranh chấp tiêu dùng, đồng thời luận án đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp. | Thực tiễn Việt Nam hiện nay cho thấy những tranh chấp tiêu dùng xuất phát từ hành vi xâm phạm đến quyền lợi của một hoặc một số ít người tiêu dùng dường như bị lãng quên do năng lực giải quyết tranh chấp bằng pháp luật còn chưa đáp ứng và không đủ tin cậy. Những tranh chấp có tác động lớn đến thị trường như vụ việc về điện kế điện tử, vụ việc nước tương, vụ việc duy trì giá xăng dầu, giá vận tải hành khách, vụ việc nhắn tin bằng điện thoại di động để lấy số thứ tự mua vé tàu lửa được dư luận chú ý thì hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, vai trò và trách nhiệm của các bên trong tranh chấp mới được thể hiện một cách rõ ràng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam dường như không có “khả năng đề kháng” đối với những thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ gây ra. Ở góc độ thương nhân - đối tượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, khi mà đa phần các thương nhân lựa chọn cho mình phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải (đến 80% số vụ việc) cho thấy sự thiếu tin tưởng của giới doanh nhân vào vai trò và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, mà luôn tìm kiếm một giải pháp thỏa thuận an toàn. Bất chấp những nỗ lực từ phía cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc khuyến khích người tiêu dùng áp dụng và lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp thích hợp để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình; tranh chấp của NTD vẫn không được giải quyết thỏa đáng xuất phát từ quá trình xây dựng và ban hành pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn biến đổi không ngừng của quan hệ tiêu dùng; những quy định khi ban hành thiếu tính khả thi hoặc khả năng thực thi còn hạn chế ; bên cạnh đó là ý thức và nhận thức từ phía thương nhân và người tiêu dùng về vai trò và vị thế cần có.