Trong luận văn, tác giả sử dụng polyol là ethylene glycol để khử muối H2PtCl6 tạo màng Pt trên đế silic. Màng sau khi tạo thành được xử lý nhiệt để phân hủy hết các thành phần hữu cơ còn sót lại đồng thời tăng cường độ bám dính lên đế. Các đặc tính cấu trúc, hình thái và tính chất được nghiên cứu một cách cụ thể và chi tiết. Cuối cùng màng được thử nghiệm trong chế tạo cảm biến sinh học thông qua nghiên cứu khả năng chức năng hóa bề mặt và khả năng đính kết với một số phân tử sinh học. | Một cách tổng quát, phương pháp khử polyol áp dụng trong chế tạo màng nano Pt có nhiều ưu điểm so với phương pháp khác như cách chế tạo đơn giản, không yêu cầu máy móc và điều kiện phức tạp, đặc biệt có khả năng áp dụng một các phổ biến trong công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những nhược điểm như khó khống chế được độ dày của màng, độ đồng đều kém do hiện tượng đối lưu và bốc hơi của chất lỏng trong quá trình chế tạo. Một hướng đi khả quan để khắc phục các nhược điểm này là sử dụng kỹ thuật phun phủ màng. Trong đó sử dụng một đầu phun có khả năng kiểm soát kích thước của hạt chất lỏng, đế silic được đặt trên một tấm gia nhiệt có thể kiểm soát nhiệt độ. Thay đổi kích thước của hạt chất lỏng và khoảng cách giữ đầu phun với đế sao cho khi hạt chất lỏng bay đến đế silic thì ngay lập tức phản ứng khử xảy ra tạo thành hạt Pt. Một thuận lợi cơ bản của kỹ thuật này là nhiệt độ đế có thể nâng lên trên 140°C, thậm chí lên tới 200°C hoặc cao hơn nữa mà không sợ quá trình đối lưu và bay hơi ảnh hưởng đến sự tạo màng. Mặt khác khi ở nhiệt độ cao, các hạt Pt được tạo thành khi hạt chất lỏng vừa chạm vào đế sẽ liên kết chắc chắn với cấu trúc Pt có sẵn hoặc với silic dẫn tới hình thành một cấu trúc xốp đồng nhất xuyên suốt trên bề mặt của màng. Đây là một hướng đi hứa hẹn để hoàn thiện phương pháp khử polyol tạo màng nano Pt, đồng thời có thể sử dụng để chế tạo màng xốp ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.