Ý nghĩa sâu sắc từ thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku nêu lên nội dung và phân tích lá thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku từ đó thấy được tình cảm của Bác với đồng bào dân tộc thiểu số. | Ý NGHĨA SÂU SẮC TỪ THƯ BÁC HỒ GỬI ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NAM TẠI PLEIKU Năm 1946, nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Pháp chạy, Nhật hàng thì quân Anh và Tưởng thay thế- tràn vào nước ta, thù trong giặc ngoài âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Tình thế cách mạng Việt Nam lúc này đã được lịch sử nhận định bằng một thành ngữ ngắn gọn nhưng hết sức cô đọng và chuẩn xác: “Ngàn cân treo sợi tóc”. Trong bối cảnh ấy, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” đã diễn ra theo kế hoạch. Do phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng đối phó tình thế “nước sôi lửa bỏng” nên Hồ Chủ tịch không thể vào dự đại hội, mà có thư gửi với lời lẽ động viên thiết tha, giục giã. Dù cách trở khó khăn nhưng thư Bác (viết ngày 19-4-1946) đã đến kịp với đại hội, được đọc lên cho tất cả đại biểu cùng nghe. Bức thư đã trở thành lời hiệu triệu khích lệ hàng triệu con tim quyết tâm bảo vệ đất nước. Chỉ trên 300 chữ, tuy nhiên, trong một hình thức ngắn gọn và quen thuộc, bức thư lại hàm chứa một nội dung phong phú và sâu sắc. Trong đó có lời động viên kịp thời và mạnh mẽ: “Lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Thư nhấn mạnh đến cội nguồn dân tộc và tình cảm, sức mạnh Việt Nam: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thư chỉ ra tài sản quý giá: “Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”, vai trò đại diện cho quyền lực của các dân tộc và quyền lực Nhà nước trong Quốc hội: “Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Thư xác định yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”; “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Nội dung cuối cùng kết thúc bức thư là sự xác lập một quyết tâm sắt đá: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Tập trung kêu gọi các dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần Hồ Chủ tịch gửi gắm trong thư rất chân thành, sâu sắc và giàu sức thuyết phục. Cách lập luận của Bác đơn giản nhưng rất hùng hồn, lý lẽ như là sự thật hiển nhiên, là quy luật bất di bất dịch: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Sự lặp lại cấu trúc ngữ pháp là câu thuật với nhiều vế câu, các vế liên tục và dồn dập bổ sung ý nghĩa cho nhau, thể hiện rất rõ mục đích khẳng định- khẳng định quyết tâm như một của các dân tộc. Trong thư, 5 lần Bác nhắc đến từ “đồng bào”. Mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” chính là Bác thêm một lần nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết. Thấm nhuần tinh thần, tư tưởng và tình cảm Bác Hồ, 63 năm qua, các dân tộc thiểu số miền Nam, trong đó có các dân tộc thiểu số Gia Lai-Tây Nguyên đã chung vai sát cánh, đoàn kết đi theo Đảng và Bác Hồ làm nên hết kỳ tích này đến kỳ tích khác cả trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.