Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6275:2003 áp dụng cho việc kiểm tra và chế tạo hệ thống làm lạnh hàng và các hệ thống phụ trợ gồm cả hệ thống điều chỉnh thành phần không khí của các tàu đã hoặc sẽ được Đăng kiểm Việt Nam (sau đây gọi là Đăng kiểm) phân cấp và tuân theo Chương 2, Phần 1A của TCVN 6259 : 2003 "Qui phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép". | Chủ tàu hoặc đại diện của Chủ tàu phải thực hiện tất cả các công việc chuẩn bị cần thiết cho việc kiểm tra cũng như các công việc chuẩn bị khác, nếu Đăng kiểm viên thấy cần thiết, phù hợp với các yêu cầu của Qui phạm. Các công việc chuẩn bị phải bao gồm việc thiết lập các lối vào vị trí kiểm tra thuận tiện và an toàn, chuẩn bị các phương tiện, biên bản cần thiết cho việc thực hiện kiểm tra. Các trang bị để kiểm tra, đo đạc và thử nghiệm mà Đăng kiểm viên dựa vào đó để đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến việc phân cấp, phải có dấu hiệu nhận dạng riêng biệt và được kiểm chuẩn theo một tiêu chuẩn mà Đăng kiểm cho là phù hợp. Tuy nhiên, đăng kiểm viên có thể chấp nhận các dụng cụ đo đơn giản (ví dụ: thước thẳng, thước dây, dụng cụ đo kiểm tra kích thước mối hàn, pan-me) mà không cần có nhận dạng riêng biệt hay xác nhận đã kiểm chuẩn, miễn là các dụng cụ đo này thuộc kiểu thiết kế thông dụng, được bảo dưỡng một cách thích hợp và định kỳ so sánh với các thiết bị tương tự khác hoặc các mẫu thử. Đăng kiểm viên cũng có thể chấp nhận các thiết bị đo được lắp đặt để đo đạc, giám sát các trang thiết bị trên tàu (ví dụ các dụng cụ đo áp suất, nhiệt độ, vòng quay) dựa trên các biên bản kiểm chuẩn (trước đây) hoặc bằng cách so sánh các chỉ số đo được với các dụng cụ đo vạn năng.