Giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới trình bày về các nội dung như: Đôi điều nhận thức về sự biến đổi văn hóa, văn hóa Việt Nam - nơi hợp lưu của khu vực và thế giới (những bài học lịch sử), hội nhập Đông - Tây những định hướng phát triển, kết luận. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tài liệu. | GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI GS. Phạm Đức Dương Hội khoa học Đông Nam Á - Việt Nam Ngày nay, khi thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại cùng tồn tại hòa bình và tập trung nguồn lực quốc gia cho sự tăng trưởng kinh tế bằng những phương tiện hiện đại của cuộc cách mạng tin học thì việc giao lưu văn hóa trên thế giới càng được mở rộng hơn bao giờ hết; các sản phẩm “văn hóa” kết hợp một cách tinh vi giữa nghệ thuật - kỹ thuật - kinh doanh tung ra khắp nơi đến mọi ngõ ngách trên thị trường thế giới đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều nước, nhất là nước Mỹ. Hành tinh của chúng ta trở nên nhỏ bé, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự biệt lập với thế giới bên ngoài, ngược lại, sự tùy thuộc lẫn nhau (Interdependance) ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp đến từng quốc gia, từng khu vực và toàn thế giới. Hiện tượng cộng sinh văn hóa là một tất yếu và là một đặc trưng mới của văn hóa thế giới. Mỗi người đều được sống với bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Thái độ khoan dung (tolérance) do UNESCO đề xướng tạo ra ý thức tôn trọng những khác biệt của người khác để người khác tôn trọng những khác biệt của ta, sao cho loài người chung sống hữu nghị, bình đẳng trong khi vẫn khác nhau. Tuy nhiên tình hình đó cũng đặt ra hai vấn đề bức xúc, hai nỗi lo không phải chỉ của riêng ai. Một là, trong khi chạy theo tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất trong cơ chế thị trường, làm thế nào để những giá trị nhân bản của các nền văn hóa truyền thống không bị xói mòn và mai một? Hai là, trong khi tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các nước khác nhau, nhất là với nền văn hóa phương Tây, làm thế nào để hiện đại hóa nền văn hóa đất nước mà không đánh mất đi bản sắc dân tộc? Điều đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu một cách cặn kẽ những giá trị đích thực của các nền văn hóa thế giới và những tinh hoa của văn hóa dân tộc trên tinh thần khoan dung để hội nhập, nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến vừa dân