Bài viết Hương ước trong làng xã đồng bằng Bắc bộ nửa đầu thế kỷ XX tập trung làm rõ quy định của hương ước về đối tượng tham gia các tổ chức xã hội; quy định của hương ước về cơ cấu tổ chức, quyền lợi của các thành viên thuộc tổ chức xã hội; quy định của hương ước về vai trò của các tổ chức xã hội. | Hương ước trong làng xã đồng bằng Bắc Bộ nửa đầu thế kỷ XX Vũ Duy Mền* Trịnh Thị Hà** Tóm tắt: Hương ước là một phần lệ làng được văn bản hóa, nó phản ánh một cách trung thực, cụ thể và sinh động một góc làng quê đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam với những quy định mang nét đặc trưng. Quy định của Hương ước về Giáp, hội Tư văn, hội Lão (các tổ chức xã hội ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam trong lịch sử) có vai trò quan trọng trong quản lý xã hội. Từ khóa: Hương ước; tổ chức xã hội; đồng bằng Bắc Bộ; Cải lương Hương chính. 1. Mở đầu Sau khi ký với triều đình Huế Hiệp ước Patenôtre (1884), thực dân Pháp đã chính thức đặt ách thống trị lên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời thi hành nhiều chính sách cai trị trên tất cả các lĩnh vực, một trong những chính sách đó là tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ bộ máy cai trị từ trung ương xuống địa phương, cấp thấp nhất là làng xã. Trong khi đó, sang đầu thế kỷ XX do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta ngày càng lan rộng đến nông thôn, có tác động không nhỏ đến chính sách, đường lối cai trị của chính quyền thực dân Pháp đối với cấp cơ sở làng xã. Do vậy, với mong muốn kiểm soát chặt chẽ nông thôn, tách nông dân và nông thôn ra khỏi môi trường cách mạng, chính quyền Pháp đã thi hành chính sách cải tổ lại tổ chức làng xã thông qua việc thi hành các cuộc Cải lương Hương chính ở cả ba miền đất nước, trong đó Bắc Kỳ là nơi diễn ra mạnh mẽ nhất.*Các cuộc Cải lương Hương chính này không chỉ có tác động đến đời sống chính trị mà còn tạo ra những thay đổi quan trọng trong đời sống sinh hoạt xã hội của cư dân làng xã thông qua những quy định và sự quản lý chặt chẽ của Hương ước với các tổ chức xã hội mà chủ yếu là Giáp, hội Tư văn, hội Lão. Hương ước trong làng xã đồng bằng Bắc Bộ nửa đầu thế kỷ XX quy định cụ thể, quyền lợi và vai trò của các tổ chức xã hội này, đặc biệt là vai trò đối với đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, có sự tiếp tục kế thừa từ .