Luận án nghiên cứu với các mục tiêu: khảo sát, đánh giá những đặc điểm của các phương tiện ngôn ngữ như trường từ vựng, câu và một số biện pháp tu từ quen thuộc có tần suất xuất hiện cao trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường; nhận diện những đặc điểm về mạch lạc nghệ thuật trong tác phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường thông qua việc mô tả, khảo sát một thể loại cụ thể; bước đầu tìm hiểu, đánh giá những đóng góp của Hoàng Phủ Ngọc Tường về phương diện ẩn dụ tri nhận qua một số truyện ký của ông. . | Ở một cấp độ khác trong phương tiện ngôn ngữ, đó là các biện pháp tu từ, ta thấy bút ký là thể loại văn học có thể thích ứng với nhiều biện pháp tu từ, chính vì vậy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sử dụng một cách đa dạng và biến hóa các biện pháp tu từ trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, vì phạm vi một luận án, người viết chỉ khảo sát, tìm hiểu sâu về so sánh và ẩn dụ. Qua khảo sát và phân tích, chúng tôi nhận thấy rằng so sánh là biện pháp tu từ mà Hoàng Phủ Ngọc Tường sử dụng với tần suất cao hơn cả. Những hiệu quả mà phép tu từ so sánh mang lại đã làm cho câu văn giàu hình ảnh và sức biểu cảm vì vậy mà nâng lên đáng kể. Tuy những hình ảnh mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa ra trong phép so sánh chỉ là những gì bình thường và gần gũi với cuộc sống hàng ngày nhưng để lại trong lòng người đọc một dư vị rất riêng của ông. Đó là sự trong sáng và chính xác nhưng không câu nệ và cầu toàn, ông vẫn có những cách điệu, sáng tạo khi sử hình ảnh trong so sánh. Bên cạnh các tu từ so sánh thì ẩn dụ cũng là một dấu hiệu ngôn ngữ quan trọng trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà chúng tôi quan tâm trong luận án.