Trên cơ sở hệ thống hóa một số nội dung lý luận về mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, luận án tập trung phân tích sự biểu hiện của mối quan hệ này trong một số ngôi chùa tiêu biểu của phật giáo bắc tông, trên cơ sở đó chỉ ra xu hướng và đề xuất một số kiến nghị nhằm phát huy những giá trị văn hóa của mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Phật giáo. . | Xu hướng biến đổi trong mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt diễn ra vô cùng phong phú, đa dạng và phức tạp. Sự hỗn dung của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian chính là biểu hiện cho sự hội nhập giữa hai dòng chảy văn hóa: Dòng chảy văn hóa quốc tế - Phật giáo và dòng chảy văn hóa bản địa – tín ngưỡng dân gian. Phật giáo với tính chất là dòng chảy văn hóa quốc tế vào Việt Nam khi hỗn dung với tín ngưỡng dân gian – dòng chảy văn hóa bản địa, chính là quá trình tạo lập cho mình một chỗ đứng vững chắc trong tâm linh, tín ngưỡng người Việt, làm phong phú đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân đất Việt, đồng thời giúp cho tín ngưỡng dân gian sàng lọc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, bảo thủ và lạc hậu với nhu cầu tín ngưỡng của thời đại. Ngược lại, tín ngưỡng dân gian khi có sự dung hội với Phật giáo, một mặt cải biến bản thân mình, tiếp nhận tinh hoa văn hóa tiên tiến của thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, căn tính văn hóa dân tộc, mặt khác tạo cơ sở, tạo cơ hội cho Phật giáo được phổ biến, truyền tải những tư tưởng, giáo lý của mình trong đời sống người dân, giúp Phật giáo - từ một tôn giáo vốn có truyền thống gắn bó với dân tộc nay lại còn gắn bó thắt chặt hơn, trở gần gũi, gắn bó và quen thuộc với người Việt, vì vậy cần có những giải pháp phù hợp nhằm khai thác những giá trị văn hóa từ sự kết hợp này và khắc phục những điểm còn hạn chế để ngày càng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong mối quan hệ giữa phật giáo và tín ngưỡng dân gian.