Luận án nghiên cứu một cách hệ thống về tri thức địa phương trong sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, rừng của người Tày ở 3 xã thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn từ truyền thống đến những biến đổi hiện nay; từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm đảm bảo sinh kế của tộc người trên cơ sở áp dụng những tri thức địa phương. . | 3. Vốn là cư dân vùng núi, rừng là không gian sinh tồn của tộc người, người tày Ba Bể sở hữu những phương thức ứng xử rất linh hoạt đối với nguồn tài nguyên này. Từ xa xưa, rừng đã là nơi cung cấp cho họ đất làm nhà và canh tác, nguồn rau rừng, thú rừng làm thực phẩm hàng ngày, gỗ, tre nứa để làm nhà, đồ gia dụng và các loại công cụ lao động. Có thể nói, kinh tế tự nhiên dựa trên khai thác rừng là hoạt động kinh tế quan trọng nhất của cộng đồng người Tày Ba Bể trong quá khứ. Do vậy, những tri thức về các loại tài nguyên rừng đã trở nên phổ biến trong quá trình sử dụng, khai thác rừng. Tuy nhiên, song song với khai thác và sử dụng, ý thức bảo vệ rừng luôn được cộng đồng đề cao, không chỉ nhằm duy trì sự khai thác lâu dài, mà nó còn thể hiện sự tôn trọng của cộng đồng với nguồn sống của mình. Theo đánh giá của người dân bản địa, với số lượng dân số ít ỏi, cùng với những phương tiện khai thác thô sơ nên vẫn duy trì được sự đa dạng của những khu rừng nguyên sinh. Cùng với đó là những tín ngưỡng liên quan đến khu rừng thiêng, rừng ma quỷ cũng gián tiếp là phương tiện để bảo vệ rừng. Cũng từ rất sớm, cư dân nơi đây ý thức