Mục đích nghiên cứu của luận án là nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về mặt lý luận, đánh giá chính xác, khách quan mô hình TTHS Việt Nam thể hiện trong pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất việc tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình TTHS tranh tụng trong quá trình hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. | 4. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp đặt yêu cầu phải đổi mới TTHS để đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đáp ứng yêu cầu đó, BLTTHS được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào năm 2003 theo hướng là mô hình TTHS pha trộn thiên về thẩm vấn. Trong TTHS đã có sự phân định tương đối rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện chức năng buộc tội và xác định trách nhiệm của VKS trong việc bảo đảm áp dụng đúng đắn các biện pháp hạn chế quyền tự do của con người trước giai đoạn xét xử; bổ sung các quy định bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; cơ chế bồi thường oan, sai trong hoạt động TTHS được thiết lập và bảo đảm thực hiện; các thời hạn tố tụng được rút ngắn đáng kể; các cơ chế giám sát hoạt động TTHS được bổ sung và kiện toàn. Tuy vậy, mô hình TTHS Việt Nam hiện hành vẫn còn bộc lộ những hạn chế cơ bản như: vẫn tồn tại mầu thuẫn trong việc phân định và tổ chức thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS; các quy định về chứng cứ chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp; nội dung các giai đoạn vẫn mang nặng tính thẩm vấn, quyền uy; quy định về thời hạn tố tụng còn chưa chặt chẽ, chưa hợp lý.