Chương trình địa lí lớp 12 đã thể hiện rõ nét nhiều đổi mới về nội dung và cách thức trình bày bài học địa lí .Các bài học trong SGK địa lí lớp 12 liên quan tới rất nhiều những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng ma trận SWOT sẽ vừa minh họa một cách sâu sắc và sinh động cho những vấn đề kinh tế - xã hội ấy, vừa giúp học sinh rèn luyện trí tuệ và thái độ tích cực. | Dựa trên lí thuyết về phân tích SWOT, kết hợp với một số phương pháp dạy học tích cực như phương pháp làm việc nhóm, phương pháp động não (brainstoming), tác giả đã giúp học sinh tiếp cận với phần địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam một cách dễ dàng, thoải mái và đầy hứng thú. Trên thực tế, đây là một phần kiến thức khá khô khan, nhiều số liệu nên học sinh thường gặp nhiều khó khăn và tỏ ra uể oải trong khi học. Vì vậy, khi đưa mô hình phân tích SWOT vào học tập, học sinh được tiếp cận kiến thức một cách khoa học, logic, được phân luồng kiến thức một cách rõ ràng nên dễ nhớ, dễ hiểu. Đồng thời, kết hợp với các phương pháp học tập tích cực khác, học sinh được chủ động hơn, được khẳng định bản thân thông qua việc đưa ra hiểu biết của mình để hoàn thiện ma trận. Đặc biệt, ma trận SWOT còn buộc học sinh phải kết hợp các thành tố để đưa ra chiến lược giải quyết một vấn đề địa lí nên học sinh có cảm giác được trao quyền, được trao trách nhiệm trong việc giải quyết một vấn đề nên các em tỏ ra tự tin và có những ý tưởng táo bạo. Việc đưa mô hình phân tích SWOT vào trong dạy học là một việc làm còn mới mẻ ở nhà trường phổ thông của nước ta, nhưng tác giả đã mạnh dạn đề ra một số hình thức để sử dụng mô hình này như một phương pháp dạy học tích cực. Và đề tài này là một trong những hướng đi mới cho việc dạy học nói chung và dạy học địa lí nói riêng.