Nội dung của bài viết phân tích về vấn đề phát triển trong công bằng của một đất nước đang phát triển trong thời đại toàn cầu hóa, khái niệm phát triển công bằng, khung lý luận để phân tích vấn đề phát triển trong công bằng trong thời đại toàn cầu hóa và các chiến lược, chính sách để có phát triển công bằng tại Việt Nam. | Vấn đề phát triển trong công bằng trong thời đại toàn cầu hoá Trần Văn Thọ Giáo sư kinh tế học, Đại học W aseda, Tokyo Sự phát triển của công nghệ thông tin và khuynh hướng tự do hoá, thị trường hoá các hoạt động kinh tế đương lôi cuốn các nước đang phát triển hội nhập vào thời đại toàn cầu hoá. Nhiều vấn đề rất mới đương đặt ra cho các nước nầy. Toàn cầu hoá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển của các nước tiến sau ? Các nước đang phát triển phải có chiến lược, chính sách như thế nào để lợi dụng tối đa các mặt tích cực của toàn cầu hoá và tránh những rủi ro, những bất ổn định trong thời đại nầy ? Bài viết nầy phân tích vấn đề phát triển trong công bằng của một nước đang phát triển trong thời đại toàn cầu hoá. Sau đây lần lượt sẽ bàn về khái niệm phát triển trong công bằng, sau đó thử đưa ra một khung lý luận để phân tích vấn đề phát triển trong công bằng trong thời đại toàn cầu hoá, cuối cùng bàn về chiến lược, chính sách để có phát triển công bằng tại Việt Nam trong thời đại nầy. Các thuật ngữ chính (key words) trong bài viết nầy là: phát triển trong công bằng, tham gia, kinh tế tri thức, công nghệ thông tin, digital divide, lao động giản đơn, lao động tri thức, . I. Thế nào là sự phát triển trong công bằng? Trước hết cần xác định thế nào là công bằng? Công bằng xã hội về phương diện kinh tế không có nghĩa là thành quả phát triển của xã hội được chia đồng đều cho mọi người. Công bằng trước hết phải được hiểu là sự bình đẳng trong cơ hội (equal opportunity), cơ hội làm việc, cơ hội đầu tư, nghĩa là bình đẳng trong việc tiếp cận với những cơ hội mà với cố gắng và năng lực con người có thể đạt đến một mức sống cao hơn hiện nay. Mặt khác, những cơ hội như vậy phải có nhiều mới đáp ứng được nhu cầu làm việc của mọi tầng lớp dân chúng. Nói khác đi, nếu mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ hội tham gia trong quá trình phát triển và được hưởng thành quả tương ứng với sức lực, khả năng và trí tuệ của họ thì đó là sự phát triển trong công bằng. Có thể nói,