Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về tổ chức lãnh thổ nông nghiệp nhằm cung cấp cho người đọc một cách khái quát về tổ chức lãnh thổ nông nghiệp: quan niệm, các nhân tố ảnh hưởng, các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam. Trên cơ sở lí luận đó, cuốn sách phân tích thực trạng tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở Việt Nam với một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp chủ yếu. Nhằm làm rõ tổ chức lãnh thổ nông nghiệp Việt Nam dưới cấp độ lãnh thổ nhỏ hơn, cuốn sách phân tích tổ chức lãnh thổ nông nghiệp cấp tỉnh qua ví dụ tại tỉnh Nghệ An, từ đó đề xuất phương hướng và một số giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả hơn. | TS. NGUYỄN THỊ TRANG THANH MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP 1 LỜI NÓI ĐẦU Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp là một hình thức của tổ chức lãnh thổ kinh tế. Mục tiêu của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp là tạo ra một nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng có hiệu quả các khác biệt lãnh thổ của các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường một cách bền vững. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của phần lớn các nước đang phát triển, đặc biệt là mức tăng nhanh thu nhập ở các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và xu thế chuyển một phần lương thực sang sản xuất nhiên liệu sinh học, thức ăn gia súc sẽ đẩy nhanh nhu cầu về lương thực, thực phẩm, làm tăng giá các nông sản này trong tương lai. Thêm vào đó, sự tăng trưởng kinh tế trên thế giới nói chung sẽ đẩy mạnh nhu cầu về các mặt hàng nguyên liệu phục vụ công nghiệp khác như cao su, gỗ. cũng như các mặt hàng nông sản thực phẩm. Mặt khác, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường sẽ dẫn đến sụt giảm sản lượng lương thực, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Vì vậy, làm thế nào để tổ chức sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng tăng cao là vấn đề mà nhiều quốc gia đang chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mình. Nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành kinh tế cơ bản của Việt Nam với hơn 68% dân số sống ở khu vực nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm hơn 47% lao động xã hội và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp vẫn chiếm gần 20% tổng sản phẩm trong nước. Vì vậy, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là một trong những mục tiêu cơ bản nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở Việt Nam hình thành và