Qua việc nghiên cứu để viết sáng kiến kinh nghiệm cảm thụ tác phẩm truyện trong chương trình Ngữ văn THPT, nhằm trao đổi với đồng nghiệp về phương pháp tạo hứng thú cho HS trong mỗi giờ Đọc văn (phần truyện), từng bước khắc phục tình trạng HS coi giờ học Đọc văn là giờ "ru ngủ", HS chỉ việc ngồi nghe thầy "thôi miên", tay ghi chép, về nhà học thuộc, đi thi chép y nguyên lại lời thầy, nhiều khi có không đồng ý với một số nhận định của thầy đã "áp đặt" cũng không dám nói. Hi vọng đề tài này sẽ được đón nhận để góp phần cải thiện tình trạng dạy học Ngữ văn hiện nay. | Cũng từ đây, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật của nhà văn bắt đầu chuyển đổi. Không hoàn toàn khách quan nữa mà lúc này có sự kết hợp với điểm nhìn trần thuật từ nhân vật, xuất hiện lời trần thuật nửa trực tiếp. Thử đọc lại một đoạn văn của Tô Hoài: “Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị đã ngồi xuống giường, trông ra cái lỗ cửa sổ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi ”. Trong đoạn văn này, đang trần thuật khách quan (từ chỗ đứng người kể chuyện) đến ba câu cuối có sự dịch chuyển, kết hợp tự nhiên các điểm nhìn, giọng điệu. Tô Hoài đã viết liên tiếp ba câu văn ngắn cùng một chủ ngữ là Mị. Lời văn từ đây bỗng hối hả, bỗng dồn dập như cùng khát vọng sống đang trào dâng trong lòng Mị. Lời nhà văn hay lời nhân vật? Không thể phân định rạch ròi. Tô Hoài không đứng bên ngoài mà tả, mà kể nữa, lại nhập thân vào Mị, thổn thức cùng Mị ở thời khắc ấy.