Trong học thuyết Nho giáo, “hiếu” là một phạm trù lớn, chứa đựng nhiều nội dung sâu sắc; có nhiều ảnh hưởng đến những phạm trù đạo đức khác trong đời sống con người. Theo tác giả bài viết, đối với gia đình, Nho giáo đặc biệt đề cao việc giáo dục đạo “hiếu” cho con người, coi đó là một trong những nội dung chủ yếu của học thuyết Nho giáo | Quan niệm của Nho giáo về "hiếu" và ảnh hưởng của quan niệm đó . QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ “HIẾU” VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM ĐÓ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY HOÀNG THU TRANG* Tóm tắt: Trong học thuyết Nho giáo, “hiếu” là một phạm trù lớn, chứa đựng nhiều nội dung sâu sắc; có nhiều ảnh hưởng đến những phạm trù đạo đức khác trong đời sống con người. Theo tác giả bài viết, đối với gia đình, Nho giáo đặc biệt đề cao việc giáo dục đạo “hiếu” cho con người, coi đó là một trong những nội dung chủ yếu của học thuyết Nho giáo. Quan niệm của Nho giáo về “hiếu” không chỉ là cơ sở nền tảng cho việc hình thành, phát triển gia đình truyền thống Việt Nam trong lịch sử, mà còn có nhiều ảnh hưởng trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay theo cả hai hướng tiêu cực và tích cực. Từ khóa: Nho giáo, hiếu, gia đình. 1. Quan niệm của Nho giáo về “hiếu” Nho giáo là một học thuyết chính trị đạo đức hình thành từ rất sớm ở Trung Quốc vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Trên 2000 năm tồn tại mặc dù có những lúc thăng trầm cùng với sự thay thế của các triều đại phong kiến và sự biến thiên của lịch sử, nhưng Nho giáo vẫn có sức sống lâu bền và có ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Trung Quốc cũng như nhiều nước khác trong khu vực. Trong quan niệm của Nho giáo, sợi dây thiêng liêng ràng buộc con người từ khi con người mới sinh ra chính là tình cảm, tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái. Do đó, Nho giáo đặt ra yêu cầu đầu tiên, cơ bản đối với mỗi một con người trong cuộc sống của mình là, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Theo Nho giáo, “hiếu” là nết đầu trong trăm nết, là gốc rễ của tất cả đức hạnh. “Hiếu” là cái đức cao cả nhất mà cả vua tôi, kẻ sĩ và thứ dân đều phải đề cao và thi hành. Trong Luận ngữ, Khổng Tử đã khẳng định rằng: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ (kính trọng) với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm với cấp trên là rất hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm phản loạn là không có. Người quân tử là người