Sinh ra trong một gia đình Nho giáo, được đào tạo về Nho giáo từ rất sớm, nên ảnh hưởng của Nho giáo đối với Hồ Chí Minh là lẽ đương nhiên. Ngày nay, giới lí luận đều nhất trí rằng, Nho giáo là một trong những tiền đề lí luận, một trong những cội nguồn tư tưởng Hồ Chí Minh. | VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI HỒ CHÍ MINH NGUYỄN VĂN PHÚC* Sinh ra trong một gia đình Nho giáo, được đào tạo về Nho giáo từ rất sớm, nên ảnh hưởng của Nho giáo đối với Hồ Chí Minh là lẽ đương nhiên. Ngày nay, giới lí luận đều nhất trí rằng, Nho giáo là một trong những tiền đề lí luận, một trong những cội nguồn tư tưởng Hồ ChíMinh. Tuy nhiên, một vài học giả đã cường điệu quá mức ảnh hưởng của Nho giáo đối với Hồ Chí Minh, thậm chí có người còn cho rằng, Hồ Chí Minh là người theo đạo Khổng. Chẳng hạn, trong bài nói chuyện tại Toronto (Canada) ngày 29/10/2003, về cuốn sách của mình: “Vietnam expose and new biography of Ho Chi Minh”, sử gia người Pháp Pierre Brocheux khẳng định: “Hồ Chí Minh là một người theo đạo Khổng, ông ưa các giải pháp ôn hoà hơn là cực đoan”1. Lấy việc ưa các giải pháp ôn hoà để quy Hồ Chí Minh thành người theo đạo Khổng, Pierre Brocheux ngụ ý đến tinh thần của đạo Nhân trong các giải pháp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự quy kết như vậy là không thuyết phục; bởi lẽ, tinh thần nhân ái hay các giải pháp ôn hoà là giá trị không chỉ riêng có ở Nho giáo. Hơn thế, ảnh hưởng của Nho giáo cho dù là ở mức độ nào thì cũng đã được khúc xạ qua nhãn quan mácxít ở Hồ Chí Minh. Như vậy, những ảnh hưởng của Nho giáo không còn là Nho giáo nguyên vẹn nữa. Chúng đã được cải tạo, được đổi mới mà trở thành những yếu tố hữu cơ trong tư tưởng Hồ Chí Minh.* Như sự khẳng định của chính mình, Hồ Chí Minh là một người mácxít. Cố nhiên, trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí minh là một người yêu nước (yêu nước theo nghĩa truyền thống). Sự khẳng định đó không chỉ bằng lời nói (chẳng hạn, khi trả lời tướng Trương Phát Khuê năm 1944; trả lời một nhà báo cánh hữu tại Paris năm 1946; tự khẳng định trong bài báo “Con đường đưa tôi đến chủ nghĩa Lênin”, ), mà quan trọng là trên thực tế, Hồ Chí Minh đã sáng lập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam; chủ trương và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Như thế, không thể nói Hồ Chí Minh là người theo đạo Khổng .