Khảo sát cho thấy các bài báo đó đều có chung một cấu trúc thể loại riêng và các đặc điểm ngôn ngữ được sử dụng trong các bài báo cũng rất đặc trưng. Từ những kết quả khảo sát, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý cho bạn đọc nói chung và cho những người có nhu cầu viết và đọc những bài tạp chí chuyên ngành kinh tế nói riêng. | NGÔN NGỮ SỐ 6 2012 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU CẤU TRÚC THỂ LOẠI VÀ ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ CỦA CÁC BÀI TẠP CHÍ CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ TIẾNG ANH ThS NGUYỄN THỤY PHƯƠNG LAN* 1. Dẫn nhập Trong xu hướng hòa nhập và toàn cầu hóa, cùng với sự lên ngôi của tiếng Anh, việc đọc và hiểu được các sách báo kinh tế tiếng Anh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bạn đọc Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bạn đọc dù có tiếng Anh giao tiếp tốt cũng không chắc chắn có khả năng hiểu hết các văn bản chuyên ngành kinh tế tiếng Anh vì để hiểu được các sách báo, tạp chí tiếng Anh bạn đọc cần hai nhóm kĩ năng: trình độ tiếng Anh tốt và vốn kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều người có tiếng Anh rất tốt nhưng không có chuyên ngành kinh tế hoặc ngược lại. Để có một hiểu biết sâu sắc về chuyên ngành và cả tiếng Anh, việc phân tích các ngôn bản kinh tế dựa trên hai câu hỏi: Chúng ta có thể nói gì về kinh tế học và các văn bản kinh tế trên cơ sở hiểu biết về ngôn ngữ?; Việc sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản đó? là rất cần thiết. Bài này phân tích cấu trúc thể loại và đặc điểm ngôn ngữ của các tạp chí chuyên ngành kinh tế tiếng Anh. Để tiến hành khảo sát và phân tích, chúng tôi thu thập ngẫu nhiên 15 bài báo trong các tạp chí chuyên ngành kinh tế viết bằng tiếng Anh. Khảo sát cho thấy các bài báo đó đều có chung một cấu trúc thể loại riêng và các đặc điểm ngôn ngữ được sử dụng trong các bài báo cũng rất đặc trưng. Từ những kết quả khảo sát, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý cho bạn đọc nói chung và cho những người có nhu cầu viết và đọc những bài tạp chí chuyên ngành kinh tế nói riêng. 2. Một số khái niệm tiền đề . Khái niệm diễn ngôn, thể loại diễn ngôn và phân tích thể loại diễn ngôn . Khái niệm diễn ngôn (discourse) lần đầu tiên được đưa ra năm 1952. Theo quan điểm của Harris, diễn ngôn là văn bản liên kết ở cấp độ cao hơn câu và đó là một đơn vị mở, có khả năng phân tích. Đơn vị này có lúc được thể hiện ở đơn vị câu hay phát ngôn