Bệnh đái tháo đường (BĐTĐ) với nhiều biến chứng nguy hiểm đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Hiệu quả điều trị BĐTĐ của dịch chiết ethanol lá cây lá dứa được khảo sát thông qua khả năng kháng oxy hóa. | Kết quả về khả năng kháng oxy hóa của dịch chiết ethanol từ lá cây lá dứa được tính tương đương theo mM Trolox và hiệu quả loại bỏ gốc tự do được trình bày trong bảng 1. Kết quả ở bảng 1 cho thấy có sự tương quan nghịch giữa nồng độ glucose huyết và khả năng kháng oxy hóa ở thận của chuột trong quá trình thí nghiệm. Nhóm chuột BĐTĐ không điều trị có nồng độ glucose huyết cao nhất 589,00±15,56 mg/dl khác biệt có ý nghĩa thống kê so với tất cả các nhóm công thức còn lại (P<0,05). Nhóm chuột BĐTĐ uống thuốc glucofast và nhóm chuột BĐTĐ uống cao lá dứa có nồng độ glucose huyết lần lượt là 198,50±33,73 và 125,50±29,86 mg/dl và tương đương với glucose huyết của chuột bình thường (148,75±12,74 mg/dl). Glucose huyết của các nhóm chuột BĐTĐ được điều trị khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm BĐTĐ không được điều trị. Như vậy, cao lá cây lá dứa cho thấy khả năng hạ glucose huyết sau 20 ngày điều trị ở chuột BĐTĐ. Mặt khác, ở nhóm chuột BĐTĐ không được điều trị bệnh, chuột bắt đầu chết từ ngày thứ 9 (chết 1 con trong tổng số 6 con); đến ngày thứ 14 của thí nghiệm có thêm 3 con bị chết và đến ngày thứ 20 chuột còn sống 2 con tương ứng tỷ lệ sống sót là 33,33%. Ở các nhóm công thức khác tỷ lệ sống sót của chuột là 100%. Sự thay đổi khối lượng của chuột ở các nhóm công thức được trình bày trong hình 1 cho thấy chuột bình thường có sự tăng trọng trong suốt quá trình thí nghiệm. Sau 7 ngày và 20 ngày thí nghiệm, nhóm chuột BĐTĐ không điều trị có khối lượng giảm lần lượt là 8,1 và 12,7%; nhóm chuột BĐTĐ điều trị bằng glucofast có khối lượng giảm lần lượt là 0,7 và 12,24%; riêng nhóm chuột BĐTĐ uống dịch chiết ethanol lá dứa tỷ lệ giảm khối lượng là 5,58 và 3,95%. Kết quả này cho thấy, cao chiết cây lá dứa sau 20 ngày điều trị có khả năng cải thiện khối lượng chuột cao hơn thuốc thương mại glucofast.