Bảo tồn và truyền bá văn chương là việc làm cần thiết để lưu giữ và phát huy những giá trị thẩm mỹ đích thực đối với công chúng. Không phải đến khi có lý thuyết tiếp nhận hiện đại mới ý thức được điều này, mà từ trong lịch sử ông cha ta đã quan tâm và có những lời bàn thể hiện được quan niệm thực sự đúng đắn và sâu sắc. Trong đó, không ít ý kiến cho đến nay vẫn giữ nguyên những giá trị rất đáng học tập và kế thừa. | VAI TRÒ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỌC (TỪ LÍ THUYẾT HIỆN ĐẠI NGHĨ VỀ LỜI BÀN XƯA CỦA CỔ NHÂN) TRẦN THÁI HỌC Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế NGUYỄN THỊ THANH BÌNH Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt: Bảo tồn và truyền bá văn chương là việc làm cần thiết để lưu giữ và phát huy những giá trị thẩm mỹ đích thực đối với công chúng. Không phải đến khi có lý thuyết tiếp nhận hiện đại mới ý thức được điều này, mà từ trong lịch sử ông cha ta đã quan tâm và có những lời bàn thể hiện được quan niệm thực sự đúng đắn và sâu sắc. Trong đó, không ít ý kiến cho đến nay vẫn giữ nguyên những giá trị rất đáng học tập và kế thừa. Từ khoá: người đọc, bảo tồn và truyền bá. 1. MỞ ĐẦU Văn học bao gồm nhiều hoạt động, nhưng nhìn chung được tập trung ở hai hoạt động chủ yếu là sáng tác và tiếp nhận. Cũng như hoạt động sáng tác, hoạt động tiếp nhận được triển khai trên nhiều phương diện. Ngoài việc đọc để giải mã văn bản và nhằm thụ hưởng những giá trị thẩm mỹ là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định thì khâu tiếp theo không kém phần quan trọng là bảo tồn và truyền bá các giá trị thẩm mỹ đó. Đây là việc làm tự phát lại vừa tự giác; vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội trong hoạt động tiếp nhận. Sáng tác mà không có tiếp nhận thì trở nên vô nghĩa đã đành, mà ngay cả sản phẩm của nó cũng không có lí do để tồn tại. Vai trò của tiếp nhận được thể hiện tập trung ở chủ thể của nó là người đọc đã được chỉ rõ từ những năm 60 của thế kỷ XX. Khi lý thuyết Mỹ học tiếp nhận ra đời, và cùng với quá trình lịch sử văn học, càng ngày vai trò của người đọc càng được thừa nhận và khẳng định. Hiển nhiên trong thực tiễn, người đọc xuất hiện và ảnh của nó vốn có từ lâu. Tuy không được xác định một cách cụ thể, nhưng chắc chắn rằng, khi đã có nhà văn thì đồng thời cũng có người đọc. Mối quan hệ được tạo nên từ nhu cầu giao tiếp thẩm mỹ đã làm cho hai loại chủ thể là nhà văn và người đọc cùng xuất hiện và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng nhau đồng hành trong sáng tạo, bảo tồn và truyền bá các giá trị .