Bài viết này tiếp cận liên văn bản hình tượng Trương Chi trong ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Phó Đức Phương - ba nhạc sĩ với ba phong cách âm nhạc độc đáo, tiêu biểu cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. | HÌNH TƯỢNG TRƯƠNG CHI TRONG CA KHÚC CỦA VĂN CAO, PHẠM DUY, PHÓ ĐỨC PHƯƠNG (Tiếp cận liên văn bản) LÊ THỊ THUYÊN - NGUYỄN VĂN THUẤN Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Trương Chi là một đề tài thú vị trong văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và Tân nhạc Việt Nam nói riêng. Bài viết này tiếp cận liên văn bản hình tượng Trương Chi trong ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Phó Đức Phương - ba nhạc sĩ với ba phong cách âm nhạc độc đáo, tiêu biểu cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Bằng cách xếp chồng liên văn bản và liên tưởng mở rộng, mỗi ca khúc là một sự chuyển hoán thú vị, độc đáo hình tượng Trương Chi trong truyện cổ dân gian. Trương Chi trong nhạc Văn Cao phảng phất nỗi buồn thân phận của tác giả. Trương Chi của Phó Đức Phương giằng xé giữa trái tim yêu thương sâu đậm đau đớn đòi gào thét và cái bất cần ngang tàng của người nghệ sĩ ý thức về mình. Trương Chi trong nhạc Phạm Duy là một chuyện ca sầu đau về khối tình tương tư. Có thể nói, mỗi tác phẩm đã khơi gợi, đánh thức những cảm xúc khuất lấp, đã gợi nhắc những trải nghiệm sống và trải nghiệm nghệ thuật trong lòng người nghe/đọc, làm tinh tế và sâu sắc hơn tâm hồn Việt Nam. Từ khóa: Trương Chi, hình tượng, giai điệu, tiết tấu, nghệ sĩ, tân nhạc, tiếp cận liên văn bản 1. ĐẶT VẤN ĐỀ V. Shklovski, tác giả công trình Nghệ thuật như là thủ pháp nổi tiếng thế giới, khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật được tri giác trong mối liên hệ với những tác phẩm nghệ thuật khác, và những sự kết hợp mà người ta tiến hành với chúng Không chỉ có bức tranh mới mô phỏng, mà tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều song song và đối lập với một khuôn mẫu nào đó” [1]. Khẳng định mang tính lí thuyết trên đây là kết quả của những khảo nghiệm thực hành mà các nhà Hình thức luận Nga (Russian Formalism) đã tiến hành trong suốt thời kỳ hoạt động sôi nổi của họ đầu thế kỷ XX. Tinh thần của tuyên ngôn này, được nhắc lại như một thành tựu lí thuyết, qua bài viết của một đại diện tiêu biểu khác của phái là Eikhenbaum. Với ông: “Tác phẩm nghệ thuật