Bay trên tổ chim cúc cu là thế giới của một bệnh viện tâm thần, như một mô hình sống động của thế giới bên ngoài. Bằng việc sử dụng hình thức trần thuật đối thoại/ trần thuật thông qua lời thoại của nhân vật, nhà văn đã đan cài vào đó những lớp diễn ngôn, mở ra trường nhìn lớn lao về những vấn đề nhân sinh, xã hội. | TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU CỦA KEN KESEY QUA THẾ GIỚI NHÂN VẬT LƯỠNG PHÂN LÊ THỊ TRÀ MY - THÁI PHAN VÀNG ANH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Bay trên tổ chim cúc cu là thế giới của một bệnh viện tâm thần, như một mô hình sống động của thế giới bên ngoài. Bằng việc sử dụng hình thức trần thuật đối thoại/ trần thuật thông qua lời thoại của nhân vật, nhà văn đã đan cài vào đó những lớp diễn ngôn, mở ra trường nhìn lớn lao về những vấn đề nhân sinh, xã hội. Đúng như Bakhtin đã nói: “khu vực nhân vật” là nơi thể hiện rõ nhất diễn ngôn đối thoại của tác phẩm. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi tập trung làm rõ tính đối thoại trong tiểu thuyết Bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey qua thế giới nhân vật lưỡng phân: phân lập tỉnh- điên, tự do - trói buộc, quyền lực thể chế - sự thỏa hiệp. Từ khóa: tính đối thoại, diễn ngôn, nhân vật lưỡng phân, trần thuật đối thoại, cảm quan hậu hiện đại. 1. MỞ ĐẦU Nhân vật của Bay trên tổ chim cúc cu có thể gọi là kiểu “nhân vật lưỡng phân”. Nếu lưỡng phân là phân ra thành hai, theo những nét đối lập thì với Ken Kesey, ý thức đối lập đó là: tỉnh và điên, giữa tự do và sự trói buộc, giữa quyền lực thể chế và sự thỏa hiệp. Lựa chọn một trong hai mặt mâu thuẫn đó là cuộc đấu tranh vật vã của các bệnh nhân trong suốt cuộc đời. 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT GẮN VỚI CẤU TRÚC LƯỠNG PHÂN . Phân lập tỉnh - điên Ken Kesey đã rất tài tình khi xây dựng hai tuyến nhân vật: mụ y tá – bệnh nhân cùng tồn tại, tạo ra đường biên nhập nhằng giữa chúng. Bởi trong thế giới của viện tâm thần, người tưởng điên thì tỉnh, kẻ tưởng tỉnh lại điên. Tính chất điên và tỉnh tồn tại trong mỗi con người. Những suy nghĩ của mụ y tá thật sự “điên” khi muốn một tay điều hành mọi hoạt động của bệnh viện. Mụ luôn mồm nói: “các ông thuộc quyền quản lí của chúng tôi”, “trật tự, kỷ luật được duy trì chỉ nhằm mục đích muốn tốt cho các anh” [4, tr. 265]. Những liệu pháp trị bệnh được sử dụng như công cụ để khống chế tinh thần phản kháng .