Bài viết trình bày Trong hai tập tiểu luận này người đọc đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhờ vào sự biến hóa phong phú trong giọng điệu phê bình của nhà thơ Xuân Diệu. Vừa dí dỏm uyên bác, vừa nôm na chủ quan, vừa liên tưởng độc đáo, cùng với lối so sánh bất ngờ, văn phê bình của Xuân Diệu đã gieo vào lòng người đọc bao tình cảm yêu mến và neo trụ lại mãi với thời gian,. | DẤU ẤN ĐA THANH TRONG GIỌNG ĐIỆU PHÊ BÌNH CỦA XUÂN DIỆU PHẠM DIỆU LINH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Tiểu luận Các nhà thơ cổ điển Việt Nam gồm hai tập, trong đó Xuân Diệu tập trung viết về tám tác giả lớn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Đào Tấn. Với lối lập luận khúc chiết, sắc sảo, với cách thưởng thức và thẩm định đầy trách nhiệm đối với di sản văn học của dân tộc, Xuân Diệu đã tìm cho mình một cách diễn đạt riêng, một giọng điệu riêng trên hành trình phê bình văn học. Trong hai tập tiểu luận này người đọc đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhờ vào sự biến hóa phong phú trong giọng điệu phê bình của nhà thơ Xuân Diệu. Vừa dí dỏm uyên bác, vừa nôm na chủ quan, vừa liên tưởng độc đáo, cùng với lối so sánh bất ngờ, văn phê bình của Xuân Diệu đã gieo vào lòng người đọc bao tình cảm yêu mến và neo trụ lại mãi với thời gian. 1. Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu hiện diện với tư cách là một cây đại thụ mang hồn thơ nồng nàn đến si mê, ham hố đến cuồng nhiệt - Hoài Thanh từng gọi đấy là cái “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy trong thơ ca cổ điển” [3]. Sự nghiệp sáng tác văn học của Xuân Diệu khá đồ sộ. Bên cạnh thơ - địa hạt mà Xuân Diệu đã dành phần lớn bút lực của đời mình, ông còn có mảng phê bình văn học khá đặc sắc. Nhưng xét đến cùng, “Văn hay thơ thì vẫn là hình ảnh phập phồng nóng hổi của một trái tim đắm say sự sống, mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu” (Nguyễn Đăng Mạnh). Xuân Diệu là một nhà phê bình có duyên bởi một giọng điệu đặc sắc riêng. Giọng điệu góp phần rất lớn trong sự thành công của nhà phê bình. Hồ Anh Thái có nói rằng: “Người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến. Có phong cách tức là phải đa giọng điệu, dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hóa của anh, trên cái tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh mà thôi” [2]. Có lẽ vậy mà nhiều nhà văn rất khổ công trong việc tìm tòi thể nghiệm .