Bài viết Vài ý kiến về chế độ lưu quan của vua Minh Mạng trình bày: Nghiên cứu chế độ lưu quan của vua Minh Mạng sẽ là một bài học quan trọng trong chính sách dân tộc và chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay,. . | VÀI Ý KIẾN VỀ CHẾ ĐỘ LƯU QUAN CỦA VUA MINH MẠNG NGUYỄN VĂN BA - THÁI QUANG TRUNG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, việc xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc là một yêu cầu bức thiết trong chính sách quản lý nhà nước của mọi thời đại. Nghiên cứu chế độ lưu quan của vua Minh Mạng sẽ là một bài học quan trọng trong chính sách dân tộc và chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Trong hệ thống chính sách cải cách hành chính của vua Minh Mạng, việc thực hiện chế độ đưa quan lại từ triều đình lên quản lý vùng dân tộc thiểu số, được xem là một nét mới trong chính sách cai trị của nhà vua. Việc với tay tới các vùng dân tộc thiểu số được thực hiện một cách triệt để, nhằm tăng cường hiệu lực của chính quyền trung ương đến tận các cơ sở. Bắt đầu từ năm 1828, chính sách này được nhà nước thực thi ở một số vùng dân tộc thiểu số, “bãi bỏ lệ thế tập của các thổ tù và cử trong hạt ai là người thanh liêm, tài năng, cần mẫn, vốn được dân tin phục thì cứ tâu lên” [1, tr. 284]. Chế độ “thổ tù” là chế độ thế tập của các tù trưởng dân tộc thiểu số được duy trì hàng trăm năm trong lịch sử, không dễ gì để thay đổi. Trong điều kiện mới, khi đất nước thống nhất từ Bắc vào Nam, đòi hỏi một chế độ trung ương tập quyền, với quyền lực tuyệt đối tập trung vào tay vua, để có đủ khả năng lãnh đạo đất nước, vua Minh Mạng không thể chấp nhận tình trạng bỏ trống quyền lực ở khu vực biên viễn, vùng sâu vùng xa thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của các tù trưởng. Đã đến lúc chính sách đó cần phải được thay đổi và thay vào đó một chính sách hiệu quả hơn. Cần phải mạnh tay và quyết đoán mới thực hiện được một chính sách chưa từng có trong lịch sử phong kiến. Đây không chỉ là vấn đề đối nội mà còn là vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn biên giới lãnh thổ quốc gia, vấn đề đối ngoại của nhà nước. Năm Minh Mạng thứ chín (1828), Nguyễn Đình Hoảng tâu với triều đình về việc Lê Chất giao cho thổ mục làm phó tri châu, có ý phê phán, mong muốn được đổi .