Mục đích nghiên cứu nhằm tìm ra được lượng lân phù hợp mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất đối với cây lúa và cây lạc. Thí nghiệm gồm có 5 liều lượng lân khác nhau từ 0 – 120 kg P2O5/ha, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD) với 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy liều lượng lân có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu như năng suất, hiệu quả kinh tế và hiệu suất phân lân. | TẠP CHÍ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ NÔNG NGHIỆP ISSN 2588-1256 Tập 2(1) - 2018 HIỆU LỰC CỦA PHÂN LÂN ĐỐI VỚI LÚA VÀ LẠC TẠI VÙNG DUYÊN HẢI BẮC TRUNG BỘ Đỗ Đình Thục Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế Liên hệ email: dodinhthuc@ TÓM TẮT Thí nghiệm được thực hiện trong vụ xuân năm 2016 trên một số loại đất chuyên trồng lúa và lạc của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế. Mục đích nghiên cứu nhằm tìm ra được lượng lân phù hợp mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất đối với cây lúa và cây lạc. Thí nghiệm gồm có 5 liều lượng lân khác nhau từ 0 – 120 kg P2O5/ha, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD) với 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy liều lượng lân có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu như năng suất, hiệu quả kinh tế và hiệu suất phân lân. Trong đó lượng bón 90 kg P 2O5/ha trên nền 100 kg N + 60 kg K2O + 10 tấn phân chuồng/ha + 500 kg vôi/ha cho lúa và 40 kg N + 60 kg K2O + 8 tấn phân chuồng/ha + 500 kg vôi/ha cho lạc đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ khóa: Hiệu lực phân lân, lạc, liều lượng lân, lúa. Nhận bài: 14/12/2017 Hoàn thành phản biện: 22/01/2018 Chấp nhận bài: 30/01/2018 1. MỞ ĐẦU Trong 3 nguyên tố dinh dưỡng chính đối với cây trồng, sau đạm thì lân được xem là yếu tố quan trọng. Lân đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng cho cây và tham gia vào quá trình quang hợp của cây. Ngoài ra lân còn kích thích sự phát triển của bộ rễ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm (Hoàng Thị Thái Hòa, 2011). Nhiều nghiên cứu trên phạm vi cả nước nói chung và các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng đã đi đến kết luận lân là yếu tố hạn chế trên một số loại đất và cây trồng ở Việt Nam (Bùi Đình Dinh, 1995; Nguyễn Văn Toàn, 2004). Hiện nay, do việc sử dụng các giống cây trồng mới và yêu cầu của thâm canh, hàng năm nông sản lấy đi từ đất một lượng dinh dưỡng khá lớn, song việc hoàn trả lại qua việc bón phân vào đất mới đạt mức trung bình, khoảng 30%. Do đó, bón lân sẽ có tác dụng làm tăng năng suất cây trồng .