Bài viết này trình bày khái quát đến tình hình nghiên cứu lịch sử thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn của giới sử học ở Huế, đi sâu vào những nhận thức và đánh giá mới về các thành tựu cũng như những hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, rút ra một số vấn đề có tính gợi ý cho giới nghiên cứu nói chung, giới sử học nói riêng nhằm tiếp tục nghiên cứu mới về thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn trong tương lai. | TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) VÀI NÉT VỀ THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU THỜI CHÚA NGUYỄN VÀ VUA NGUYỄN CỦA GIỚI SỬ HỌC Ở HUẾ Nguyễn Văn Đăng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Email: nvdang2101@ TÓM TẮT Vương triều chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn là những triều đại quân chủ cuối cùng, đóng kinh đô ở Huế, chi phối đến lịch sử Việt Nam cuối thời trung đại đến thời cận đại. Chính vì thế, nghiên cứu về các triều đại này trở thành thế mạnh của giới nghiên cứu ở Huế. Việc nhận thức lại một số vấn đề lịch sử thời Nguyễn đặt ra cho giới nghiên cứu ở vùng đất này không ít những cơ hội và thách thức để khẳng định vị thế của mình trong giới sử học nước nhà và quốc tế. Bài viết đề cập một cách khái quát đến tình hình nghiên cứu lịch sử thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn của giới sử học ở Huế, đi sâu vào những nhận thức và đánh giá mới về các thành tựu cũng như những hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, rút ra một số vấn đề có tính gợi ý cho giới nghiên cứu nói chung, giới sử học nói riêng nhằm tiếp tục nghiên cứu mới về thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn trong tương lai. Từ khóa: Chúa Nguyễn, Sử học, Tây Sơn, vua Nguyễn. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, sự phân liệt của chính quyền trung ương từ đầu thế kỷ XVI đã dẫn đến nội chiến khốc liệt giữa các thế lực chính trị đương thời. Đó là thiết lập nhà Mạc (1528-1592-1677), nhà Hậu Lê được khôi phục (1533) và chiến tranh Nam - Bắc triều (1545-1592), sự xuất hiện hai thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn bắt đầu từ năm 1558, dẫn đến Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672). Kết quả là việc hình thành hai xứ trong một quốc gia: xứ Đàng Ngoài do vua Lê - chúa Trịnh cầm quyền và xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý. Phong trào Tây Sơn nổ ra (1771), tiêu diệt các thế lực cát cứ, chống ngoại xâm ở hai đầu Nam, Bắc thiết lập vương triều Tây Sơn nhưng suy yếu nhanh chóng để Nguyễn Ánh khôi phục lại cơ đồ họ Nguyễn. Triều Nguyễn tồn tại với tư cách