Bài viết này tiếp cận từ cái gốc làm hình thành xã hội học tập, đó chính là sự phát triển của lực lượng sản xuất, để tiến hành phân tích và làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng xã hội học tập. | TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 4, Số 2 (2016) MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Nguyễn Thiện Cảm Email: thiencamtrietk33@ TÓM TẮT Trong những năm gần đây, vấn đề xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, với tư cách là một triết lý giáo dục và đào tạo mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đã được bàn luận ở nhiều diễn đàn. Qua bài viết này, tác giả muốn tiếp cận từ cái gốc làm hình thành xã hội học tập, đó chính là sự phát triển của lực lượng sản xuất, để tiến hành phân tích và làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng xã hội học tập. Từ đó, liên hệ và đóng góp một số ý kiến mang tính định hướng nhằm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với với xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: lực lượng sản xuất, quan hệ biện chứng, xã hội học tập. 1. MỞ ĐẦU Bước vào thế kỉ XXI, nhân loại đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất với sự tham gia trực tiếp của khoa học và công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Biểu hiện cụ thể và sinh động cho bước phát triển mới của lực lượng sản xuất chính là sự hình thành và dần thống trị của nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, khi mà chất xám, trí tuệ con người đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá, tri thức con người trở thành nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng thì vấn đề giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển toàn diện con người luôn được đặt lên hàng đầu. Ngày nay, việc xây dựng xã hội học tập chính là một hướng đi mới trong giáo dục và đào tạo nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất lượng người lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Xã hội học tập là khái niệm dùng để chỉ một xã hội mà trong đó mọi công dân (tùy theo điều kiện của mình) đều có nhu cầu và cơ hội học tập không ngừng, học tập suốt đời; học tập ở mọi lúc, mọi nơi; khi còn trẻ hay khi đã về già. .