Trên cơ sở những vấn đề về thi pháp, cấu trúc tác phẩm, và môtíp/cổ mẫu “Ông lão khôn ngoan” (theo cách nhìn của Jung trong Những cổ mẫu và vô thức tập thể), tôi khảo sát, so sánh hình tượng “Ông lão” trong ba truyện ngắn: “Nỗi buồn” của Anton Chekhov, “Một nơi sạch sẽ, sáng sủa” của Ernest Hemingway và “Lão Hạc” của Nam Cao. | Science & Technology Development, Vol 14, 2011 MÔTÍP/ CỔ MẪU ÔNG LÃO TRONG BA TRUYỆN NGẮN CỦA ANTON CHEKHOV, ERNEST HEMINGWAY VÀ NAM CAO Đào Ngọc Chương Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TÓM TẮT: Trên cơ sở những vấn đề về thi pháp, cấu trúc tác phẩm, và môtíp/cổ mẫu “Ông lão khôn ngoan” (theo cách nhìn của Jung trong Những cổ mẫu và vô thức tập thể), tôi khảo sát, so sánh hình tượng “Ông lão” trong ba truyện ngắn: “Nỗi buồn” của Anton Chekhov, “Một nơi sạch sẽ, sáng sủa” của Ernest Hemingway và “Lão Hạc” của Nam Cao. Trong cả ba truyện ngắn nêu trên, nhân vật “Ông lão” dường như đều sống trong cô đơn, cái cô đơn có khi không thể chia sẻ hoặc không được chia sẻ như trường hợp của Iona Potapov và “Ông lão” trong hai truyện ngắn của Anton Chekhov và Ernest Hemingway. Họ bị đẩy vào cô đơn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, và cách hành xử của họ cũng khác nhau. Iona Potapov có người con trai vừa mất tuần trước, “Ông lão” thì đang sống trong nỗi cô đơn của tuổi già, còn “lão Hạc” thì đứa con trai vì nghèo, không cưới được vợ, thất chí bỏ đi làm đồn điền đã ba năm mà chưa biết ngày về. Nếu chú ý đến sự tác động của yếu tố thành thị trong quá trình phát triển của xã hội từ nông nghiệp đến công nghiệp, chúng ta có thể đặt ba tác phẩm trên theo trình tự: “Lão Hạc” của Nam Cao, “Nỗi buồn” của Anton Chekhov, và” Một nơi sạch sẽ, sáng sủa” của Ernest Hemingway. Hình như xã hội càng tiến về phía thành thị hóa, công nghiệp hóa thì nỗi cô đơn hiện ra càng vô phương cứu chữa. Và bấy giờ, những đặc điểm cố hữu của của cổ mẫu “Ông lão khôn ngoan” (theo Jung) chỉ còn thể hiện ở điểm: làm thế nào để có được cách hành xử đúng đắn nhất trong nỗi cô đơn. Từ khóa: Anton Chekhov, Ernest Hemingway, mô tip “Ông lão”. 1. CỔ MẪU HAY LÀ MÔ TÍP ÔNG LÃO Ông lão là một hình ảnh, hình tượng hay là một môtíp? Có một điều không cần tranh cãi, đó là ông lão đã xuất hiện trong tác phẩm văn chương từ rất lâu với tư cách là người có tuổi, tức người gắn với kinh nghiệm và sự khôn ngoan. .