Đây là bài viết về đề tài nhà kính, nhà màng; khảo sát các mô hình nhà che phủ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tại thời điểm đầu năm 2010. Từ đó đi đến đề nghị một mô hình nhà che phủ phù hợp với điều kiện kinh tế và tự nhiên trên địa bàn thành phố. | Qua khảo sát thực tế những vùng trồng rau hoa tại Lâm Đồng, từ trước đến nay đa phần nông dân Lâm Đồng tự thiết kế dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước, cấu trúc tương đối đơn giản, vật liệu truyền thống là tre hoàn toàn hoặc tre kết hợp với sắt, giá thành trung bình khoảng 70 - 80 triệu đồng/01 sào, mức giá tương đối phù hợp với khả năng đầu tư của bà con nông dân. Nhưng nhược điểm phổ biến dễ thấy là kết cấu thiếu bền, chịu lực kém, không chịu được mưa, gió lớn, các tiêu chí về kỹ thuật như độ thông thoáng, độ chiếu sáng, ẩm độ, nhiệt độ chưa được tính toán một cách khoa học để hạn chế các tác nhân gây hại cũng như đảm bảo sự phát triển tối ưu cho cây trồng. Từ nhu cầu cấp thiết của thực tế sản xuất, việc lựa chọn công nghệ và thiết kế các mẫu nhà lưới nhà màng phù hợp với một số cây trồng chính trong điều kiện thời tiết khí hậu của các tiểu vùng sinh thái Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và phù hợp với khả năng tiếp thu ứng dụng của nông dân là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo nhà lưới, nhà kính phù hợp với các vùng sinh thái tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng” do PGS. TS Bùi Văn Miên chủ trì cùng nhóm tác giả là các chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Nông lâm Tp HCM theo đuổi trong 02 năm qua cũng không nằm ngoài mục tiêu hướng đến phục vụ cho người nông dân Lâm Đồng đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình phát triển. [18]