Bài viết minh họa việc giáo viên khai thác mối quan hệ liên môn Toán - Tin nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động tìm tòi, dự đoán, giúp học sinh tìm công thức số hạng tổng quát của dãy số cho bởi công thức truy hồi. | VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 175-178 KHAI THÁC MỐI QUAN HỆ LIÊN MÔN TOÁN - TIN HỖ TRỢ HỌC SINH LỚP 11 TÌM CÔNG THỨC SỐ HẠNG TỔNG QUÁT CỦA DÃY SỐ CHO BỞI CÔNG THỨC TRUY HỒI Ngô Thị Tú Quyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên Ngày nhận bài: 15/05/2018; ngày sửa chữa: 18/05/2018; ngày duyệt đăng: 25/05/2018. Abstract: While learning about sequences (Algebra and Analysis 11), high-school students often have difficulties in identifying the formula of the general term of a sequence. This article illustrates how teachers exploit the interdisciplinary relationship between the two subjects Mathematics and Informatics to organize explorative and predictive activities which can help students to find out the formula of the general term of a sequence given by a recurrent formula. Keywords: exploitation, interdependence, numerical sequence, retrieval formula, students. 1. Mở đầu Việc vận dụng kiến thức, kĩ năng của các môn học vào giải quyết vấn đề thực tiễn đang là xu hướng được quan tâm trong quá trình giáo dục nói chung và dạy học ở trường trung học phổ thông (THPT) nói riêng. Các nghiên cứu của Kevin Costley đã chỉ ra rằng: Học sinh (HS) được học tập tốt hơn nhờ việc tổ chức lại các nội dung dạy học. Các nội dung dạy học này không phải được xây dựng từ các môn học độc lập mà từ các chủ đề bao quát, xuất phát từ mối liên kết về mặt lí thuyết giữa các môn học. Lợi ích lớn nhất của dạy học tích hợp là tạo ra sự kết hợp có ý nghĩa các nội dung trong cùng một môn học hoặc giữa các môn học, giúp HS hiểu được sự kết nối giữa những kiến thức đã học ở nhà trường với các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày [1]. Ở Việt Nam, từ năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT đã đề cập vấn đề vận dụng kiến thức liên môn vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Có nhiều tác giả nghiên cứu về dạy học tích hợp và vận dụng vào chương trình giáo dục phổ thông như: Nguyễn Anh Dũng và Phạm Thị Bích Đào đã đề xuất về phương án tích hợp ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và THPT .