Trong bài viết này, dựa trên số liệu điều tra thu nhập và ngân sách chi tiêu của 530 hộ gia đình ở tỉnh Thừa Thiên - Huế chúng tôi muốn tập trung trả lời câu hỏi sau đây: Phải chăng thuế GTGT ở Việt Nam là một sắc thuế công bằng, nó có tác dụng đáng kể vào phân phối lại thu nhập hay không? . | Như vậy, với ba chỉ tiêu phân tích và biểu đồ đường cong Lorenz biểu diễn trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng thuế GTGT ở Việt Nam hiện nay có tác động đáng kể vào phân phối lại thu nhập. Thực tế, thuế thu nhập cá nhân với các mức thuế suất cao hơn và chênh lệch nhau nhiều về lý thuyết sẽ có tác dụng phân phối lại thu nhập cao hơn thuế GTGT. Tuy nhiên, điều này theo chúng tôi chỉ đúng với điều kiện ở các nước phát triển khi mà thu nhập của dân cư cao, diện chịu thuế rộng, phạm vi điều chỉnh và tác động phân phối lại thu nhập của thuế thu nhập cá nhân mới phát huy được. Đối với các nước thu nhập dân cư thấp như Việt Nam, diện chịu thuế hẹp thì tác dụng phân phối lại thu nhập của loại thuế này chắc chắn còn rất hạn chế. Trong điều kiện như vậy, thuế GTGT sẽ còn đóng vai trò đáng kể không chỉ cho số thu NSNN mà còn có tác dụng phân phối lại thu nhập, thể hiện tính công bằng xã hội của loại thuế tiến bộ này. Chúng tôi xin lưu ý một điều là kết luận trong nghiên cứu này chỉ dựa trên số liệu điều tra ở phạm vi một tỉnh nên mức độ đại diện còn hạn chế. Các mức thuế suất thuế GTGT chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này được điều chỉnh theo Nghị quyết 240/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, do vậy các kết luận trên đây chỉ đúng trong điều kiện đó.