Bài viết căn cứ từ thực tế dạy dịch đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao năng lực dịch thuật cho học sinh, bao gồm: Tái nhận thức nguyên tắc dịch cơ bản, đề xuất ứng dụng phương pháp dạy - học dịch theo loại hình nhiệm vụ, mở rộng phạm vi thực tiễn dạy dịch và chú trọng đến vấn đề văn hóa trong dạy học - dịch | Trong quá trình dạy học dịch, giáo viên là người đầu tiên phát hiện ra vấn đề này, tầm hiểu biết về văn hoá Đông – Tây sẽ là hiệu ứng hay hạn chế đến tính trung thực, tính chính xác của văn bản. Việc chú trọng đến sự khác biệt giữa văn hoá Đông – Tây trong quá trình dạy dịch quả là cần thiết. Vì vậy, giáo viên cũng như sinh viên cần tiến hành đối chiếu đa ngữ. Có những trường hợp nếu chỉ căn cứ vào ngôn ngữ của nguyên tác thì sẽ gặp nhiều khó khăn và sẽ làm nảy sinh tranh cãi. Chẳng hạn ngày nay ở nước ta, trong không khí sôi động của công cuộc hội nhập quốc tế, đang có hiện tượng là người ta dịch từ “globalization” trong tiếng Anh là “toàn cầu hoá”, nhưng khi gặp từ “mondialisation” của tiếng Pháp thì người ta lại dịch là “thế giới hoá”, trong khi đó người Pháp lại dịch từ “globalization” của tiếng Anh thành “mondialisation”. Thế là một từ “globalization” của tiếng Anh sau khi làm một chuyến đi lòng vòng qua tiếng Pháp đến nước ta sẽ có hai cách gọi: “toàn cầu hoá” và “thế giới hoá”. Đáng ra người dịch phải nắm vững hệ thống thuật ngữ của ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ được dịch để chuyển nghĩa tương đương chứ không phải là câu nệ vào nghĩa gốc biệt lập của các từ (2).