Nghiên cứu này tập trung phân tích chuỗi giá trị nấm rơm tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy 82% nấm rơm sản xuất tại xã Phú Lương tiêu thụ tại thị trường Thừa Thiên Huế, 18 % còn lại được các bán buôn chở đi tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đối với thị trường Thừa Thiên Huế thì bán buôn là người cung ứng chủ yếu (97,6%). | TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012 CHUỖI GIÁ TRỊ NẤM RƠM TẠI XÃ PHÚ LƯƠNG, HUYỆN PHÚ VANG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Nguyễn Trọng Dũng1, Nguyễn Thị Minh Hòa2 1 Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế 2 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế Tóm tắt. Nghiên cứu này tập trung phân tích chuỗi giá trị nấm rơm tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy 82% nấm rơm sản xuất tại xã Phú Lương tiêu thụ tại thị trường Thừa Thiên Huế, 18 % còn lại được các bán buôn chở đi tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đối với thị trường Thừa Thiên Huế thì bán buôn là người cung ứng chủ yếu (97,6%). Như vậy, bán buôn giữ vai trò điều khiển, chi phối toàn bộ các hoạt động kinh doanh nấm rơm trên thị trường. Nghiên cứu về vị thế tài chính chỉ ra rằng chi phí, lợi nhuận và lợi nhuận biên phân chia không đồng đều trong chuỗi. Hộ trồng nấm là người có vị thế tài chính cao nhất trên cả chi phí gia tăng, lợi nhuận và lợi nhuận biên nhưng họ là người hưởng lợi thấp nhất, bán buôn là người hưởng lợi cao nhất từ cả hai chuỗi giá trị chợ Đông Ba và chợ Bãi Dâu. 1. Giới thiệu Một trong những đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp là có những tố chất cần cho sức khỏe của con người. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập đầu người ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng lên. Bởi vậy, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao không những tăng lên về số lượng mà còn đòi hỏi cao hơn về chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn trong quá trình sử dụng và tốt hơn cho sức khỏe. Nấm nói chung và nấm rơm nói riêng là một loại thực phẩm bổ dưỡng được các nhà khoa học và giới bác sĩ xem là một “tiên dược” cho cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nấm rơm đang tăng lên, đặc biệt tại tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi mà đa số người dân theo đạo Phật thì nấm rơm là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn chay. Xã Phú Lương, huyện Phú Vang là một xã đi đầu về trồng nấm rơm ở tỉnh Thừa Thiên Huế.